Đây là nội dung được các chuyên gia đặt ra trong hội thảo về bản quyền trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học được tổ chức ngày 18/10 tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả nhấn mạnh, quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng đã và đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tri thức và hội nhập kinh tế quốc tế. Vấn đề bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được các quốc gia chú ý và được đặt ra tại hầu hết các diễn đàn kinh tế quốc tế.
"Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần trao đổi, thảo luận, đề xuất giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật và cam kết quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan, đảm bảo nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa chủ thể quyền với tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tác phẩm và công chúng thụ hưởng", Bà Phạm Thị Kim Oanh nhấn mạnh.
Việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại quốc gia có hiệu quả sẽ khuyến khích các hoạt động sáng tạo, tạo môi trường đầu tư an toàn để thu hút các nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Trong những năm qua, hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và thực hiện thông qua nhiều công cụ quản lý khác nhau, trong đó pháp luật được coi là công cụ quản lý quan trọng nhất.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, nhiều vấn đề mới, những cơ hội và thách thức gắn với công nghệ, kỹ thuật đặt ra như công nghệ blockchain, AI, big data… trở thành bài toán chung cho các quốc gia trong vấn đề bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.
Ông Trần Quang Trung - Phó trưởng Khoa Luật, Đại học Duy Tân Đà Nẵng nêu thực tế: hiện nay đang có sự nhầm lẫn giữa sao chép và trích dẫn. Chính điều này đã khiến cho hoạt động sao chép gia tăng nhiều hơn. "Để ngăn chặn tình trạng vi phạm trích dẫn trong đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hai thông tư là Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT và Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT. Tuy nhiên tôi cho rằng ở đây đã có sự nhầm lẫn giữa sao chép với trích dẫn bởi kết quả sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao dưới bất kỳ hình thức vật chất nào. Như vậy, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ bị phát hiện sao chép thì không thể cho chỉnh sửa, cũng không thể thu hồi bằng đã cấp mà phải hủy kết quả học tập. Việc lấy tác phẩm của người khác để sao chép tạo ra luận văn, luận án của mình là đỉnh điểm của hành vi gian dối trong học tập, nghiên cứu, thể hiện tính chất nghiêm trọng hơn rất nhiều so với vi phạm trích dẫn”.
Ông Trần Quang Trung cho rằng cần tránh các quy định mập mờ dẫn đến suy diễn mâu thuẫn nhau, đồng thời rõ ràng trong các vấn đề liên quan đến nguồn học liệu và các hoạt động thư viện.
Bà Phùng Thị Yến, Trường Đại học Ngoại thương cho rằng, ở một số quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Anh... đều có những quy định chặt chẽ và linh hoạt về quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường giáo dục đại học, đặc biệt là các quy định về quyền tác giả. Chính vì vậy, theo bà Yến, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi để nhằm hoàn thiện hơn các cơ chế bảo vệ quyền tác giả cho các tác phẩm khoa học, từ đó thúc đẩy sự phát triển của nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các tác giả và nhà nghiên cứu”.
Hội thảo được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề bản quyền; tăng cường năng lực quản lý, khai thác tài sản quyền tác giả, quyền liên quan trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật và cam kết quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan, đảm bảo nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa chủ thể quyền với tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tác phẩm và công chúng thụ hưởng.