Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016. Năm 2017, tại Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh di sản, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (giai đoạn 2017 - 2022). Từ đó, các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan ở các tỉnh/thành phố có di sản cụ thể hóa các nội dung trong Chương trình hành động để triển khai và thực hiện Chương trình.

Sau 5 năm, với nỗ lực của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn ở trung ương và địa phương, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các nghệ nhân, cộng đồng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, di sản được quan tâm hơn; nghệ nhân, người thực hành di sản được tôn vinh; nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản được tổ chức ở các cấp; ý thức của cộng đồng, người thực hành di sản được nâng lên rõ rệt; di sản thực sự đang có những đóng góp quan trọng vào đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng, người thực hành di sản và xã hội.

Sự ghi nhận của xã hội đối với di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt còn được thể hiện ở việc Nhà nước tôn vinh sự đóng góp của nghệ nhân đối với di sản văn hóa nước nhà bằng hình thức phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”. Tính đến nay, qua 3 đợt xét tặng, đã có 6 Nghệ nhân nhân dân, 79 Nghệ nhân ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu.

Tuy nhiên, hội nghị đánh giá, trên thực tế, việc thực hành, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vẫn để xảy ra những hiện tượng phản cảm, sai lệch với bản chất của di sản văn hóa phi vật thể như: Tổ chức hầu đồng không đúng không gian tâm linh, ở khu vực công cộng với tính chất một loại hình du lịch hay ca nhạc đường phố; sử dụng nhiều vàng mã và đồ lễ đắt tiền để chia, phát lộc trong lễ hầu đồng; có hiện tượng lợi dụng hầu đồng, lợi dụng niềm tin của nhân dân để trục lợi, kiếm tiền và làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng… Mặt khác, cũng có những tổ chức, cá nhân lợi dụng danh hiệu của di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt để tổ chức các liên hoan, hội nghị, hội thảo, trình diễn di sản và kêu gọi sự đóng góp không dựa trên sự hiểu biết đầy đủ của cộng đồng chủ thể di sản cho các sự kiện này cũng như cho việc trao tặng các giấy khen, giấy chứng nhận một cách tuỳ tiện. Điều này đã gây ra những xung đột trong cộng đồng chủ thể thực hành di sản và làm suy giảm giá trị, tính thiêng của di sản với tư cách một thực hành văn hoá mang tính chất tín ngưỡng, tâm linh.

Nêu ý kiến tại hội thảo, PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng: Tôn trọng quyền văn hoá trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là nguyên tắc hàng đầu cần được tuân thủ. Quyền văn hoá phải đặt trong tổng thể các quyền khác (quyền chính trị, quyền kinh tế và quyền văn hoá) như một bộ phận không thể tách rời. Bộ ba các quyền này phải đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự quản lý của nhà nước theo nguyên tắc pháp quyền tiến bộ.

Nghệ nhân nhân dân Lưu Ngọc Đức (Đền Lảnh Giang Vọng Từ) nêu ý kiến tại hội thảo: Đừng vì một mục đích, lý do gì mà làm thay đổi nền móng trong việc thực hành tín ngưỡng mà chúng ta đang nắm giữ, vì “căn thâm mạt mậu”, gốc rễ sâu thì cành ngọn mới tốt bền chắc chắn. Song cũng không vì thế mà chúng ta trở thành người lạc hậu với thời cuộc. Một khi xã hội phát triển thì mọi lĩnh vực cũng phát triển theo, trong đó có văn hóa - tín ngưỡng. Chúng ta tôn trọng, kế thừa nhưng có những nghi lễ xưa không phù hợp với xã hội đương đại có thể có những đổi mới làm tốt hơn, đẹp hơn, tích cực hơn mà không phá vỡ và làm biến đổi cơ bản của sự kế thừa. Khi đó chúng ta có thể chọn lọc, bổ sung giúp cho việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam - Tứ phủ của chúng ta sao cho hoàn thiện hơn

Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá, Bộ VH-TT&DL cho biết: Để di sản được bảo tồn và phát huy hiệu quả, các nội dung của Chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã được Việt Nam cam kết với UNESCO, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn hoạt động quản lý, thực hành di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ; giải quyết những khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; Tăng cường thu hút nguồn lực xã hội tham gia các hoạt động trong cộng đồng văn hóa; Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hành di sản; Tiếp tục nghiên cứu, nhận diện, kiểm kê di sản; Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực về công tác quản lý nhà nước đối với di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, tổ chức các lớp truyền dạy, thực hành di sản; Tiếp tục vinh danh, khen thưởng, động viên và khuyến khích nghệ nhân, người thực hành di sản, người có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản; Tăng cường hoạt động tuyên truyền, quảng bá, phổ biến kiến thức về Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và hầu đồng nói riêng để cộng đồng, công chúng có những tri thức, hiểu biết khoa học về di sản, từ đó, chủ động tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy, kế thừa và phát triển di sản một cách đúng đắn, đảm bảo tuân thủ Luật Di sản văn hóa và Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.