Văn hóa dân gian là văn hóa gốc của dân tộc, sinh ra cùng với đời sống lao động của quần chúng nhân dân. Đặc thù của văn hóa dân gian là truyền miệng, truyền nghề trực tiếp nên việc bảo tồn và phát huy các giá trị này cũng có không ít khó khăn. Để các giá trị văn hóa dân gian được giữ gìn và phát huy từ đời này sang đời khác có sự đóng góp không nhỏ của các nhà nghiên cứu, sưu tầm. Nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa là một trong những người như vậy. Bà đã có những đóng góp không nhỏ trong việc phục dựng cũng như bảo tồn một số loại tranh dân gian của dân tộc. Đặc biệt với cuốn sách “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng” bà vinh dự nhận giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội trong khuôn khổ giải thưởng Bùi Xuân.

Khởi đầu với công việc sưu tầm gốm sứ, trong quá trình đi sưu tầm, nhận thấy có nhiều dòng tranh dân gian đặc sắc đang lưu lạc hoặc đã thất truyền. Bà đã cất công tìm hiểu tư liệu, khảo sát điền dã thực địa để thực hiện và hoàn thành nhiều công trình khoa học đặc sắc về tranh dân gian Việt Nam, trong đó một số công trình được in thành sách rất công phu như: “Dòng tranh dân gian Đông Hồ,” “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng,” “Dòng tranh dân gian Hàng Trống,” “Tranh dân gian Huế”. Đặc biệt với dự án “Khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng” bà cùng các cộng sự đã khôi phục được một dòng tranh đã thất truyền hơn 7 thập kỷ.

Nói đến tranh dân gian của đồng bằng Bắc Bộ có lẽ ai cũng nghĩ ngay đến tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, thế nhưng ít ai biết rằng ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội cũng có một dòng tranh nổi tiếng không kém – đó là tranh Kim Hoàng hay còn gọi là tranh đỏ. Khác với tất cả dòng tranh dân gian Việt Nam, tranh Kim Hoàng đã gần như biến mất kể từ lần xuất hiện cuối cùng dịp Tết năm 1947. Bởi vậy từ năm 2016, nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa đã tự bỏ tiền túi triển khai dự án “Khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng”.

Dù còn rất nhiều khó khăn phía trước để khôi phục được dòng tranh này nhưng bước đầu dự án của bà đã truyền cảm hứng cho chính những người dân làng Kim Hoàng và một số họa sĩ trẻ để tranh Kim Hoàng được hồi sinh. Từ chỗ không còn ai theo nghề, đến nay dự án đã đào tạo được một nghệ nhân theo nghề và làm nghề. Cùng với việc đào tạo, dự án đã tập hợp được nhiều nghệ nhân và nhà sưu tầm tranh dân gian Việt Nam, các họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử mỹ thuật, nhiếp ảnh gia… để tìm lại các kỹ thuật từ nhuộm giấy cho đến kỹ thuật in, vẽ… Điều quan trọng hơn cả là nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa đã truyền cảm hứng cho nhiều họa sĩ trẻ theo đuổi việc khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng. Đây là những thành quả bước đầu để tranh Kim Hoàng quay trở lại và trở thành một dòng chảy nho nhỏ, âm thầm, cùng với những làng tranh dân gian khác, tạo nên những sắc màu phong phú cho văn hóa truyền thống của dân tộc.

Có thể nói, sự lao tâm khổ tứ vì một lời hứa mang tranh Kim Hoàng trở lại thời “hoàng kim" của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa đang dần có trái ngọt. Dẫu con đường phía trước còn không ít trông gai nhưng những sắc đỏ của dòng tranh này đang dần thắm lại, được đón nhận và lan tỏa những giá trị. Đây cũng là sự trân trọng nét văn hóa truyền thống tốt đẹp mà thế hệ cha ông để lại.

Mời nghe âm thanh tại đây: