Ngày 30/10/2019, Hà Nội vinh dự trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO. Các danh hiệu: “Thành phố vì Hòa bình”, “Thủ đô của Lương tri và Phẩm giá con người”, “Thủ đô Anh hùng” là sự ghi nhận quý giá, nâng tầm vị thế của Hà Nội trên trường quốc tế. Đây cũng là cơ hội để thủ đô nghìn năm văn hiến phát huy mạnh mẽ các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, sớm trở thành đô thị sáng tạo, trung tâm dịch vụ chất lượng cao của khu vực và thế giới. Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, chuyên gia nghiên cứu về Hà Nội thì đây là thế mạnh mà hiếm địa phương nào có được.
“Chúng ta luôn nói văn hóa là nền tảng của sự phát triển, hay nói cách khác là muốn phát triển được thì phải có cái gốc văn hóa. Lợi thế của Hà Nội là một đô thị, là một kinh đô, thủ đô rất lâu đời với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đây là một lợi thế mà không có một vùng đất, tỉnh thành nào ở trên đất Việt Nam có được. Vấn đề ở chỗ là bây giờ Hà Nội sẽ phát huy cái gì, phát huy như thế nào các lợi thế văn hóa ấy khi đã gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo” - nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến nhấn mạnh.
Kể từ khi gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo, Hà Nội vẫn luôn nỗ lực thực hiện các cam kết với UNESCO. Cụ thể, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch để thúc đẩy xây dựng Thành phố sáng tạo. Tiêu biểu là Nghị quyết số 09-NQ/TU ban hành ngày 22/02/2022 của Thành uỷ Hà Nội “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch của Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội “Về thực hiện các sáng kiến gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025”, đồng thời phối hợp với các bên liên quan tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết với UNESCO và khơi dậy được khát vọng trong quần chúng nhân dân.
Nhà văn Nguyên Ngọc Tiến cho rằng, chính điều này đã giúp Hà Nội khai thác triệt để các nguồn lực về văn hóa. Ở khía cạnh du lịch, ví dụ như Văn miếu Quốc tử giám, trong nhiều năm trở lại đây bắt đầu được khai thác sâu; hay các làng nghề đã biết tận dụng, khai thác những cái hay, những điểm mạnh để tạo ra các sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Hà Nội còn có những di sản tự nhiên như Hồ Tây, Hồ Hoàn Kiếm… Tất cả những cái đó đều được khai thác một cách bài bản, tạo ra hiệu quả rất tốt, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của thủ đô.
Phải khẳng định Hà Nội đã có những thay đổi rõ nét. Tuy nhiên với mỗi hành trình đều sẽ có những khó khăn, những tồn tại như: Nhận thức văn hóa là động lực, nguồn lực quan trọng cho phát triển, nhất là phát triển bền vững của Thủ đô ngàn năm văn hiến, cũng như về công nghiệp văn hóa của một số cấp, ngành, đơn vị còn hạn chế. Việc đầu tư, khơi thông nguồn lực văn hóa, lịch sử cho phát triển kinh tế - xã hội còn chưa đáp ứng yêu cầu; cơ sở hạ tầng cho công nghiệp văn hóa thiếu đồng bộ. Sự tăng trưởng kinh tế dựa vào khai thác thế mạnh văn hóa chưa ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Thiếu sự phối hợp, liên kết đồng bộ hiệu quả, liên ngành giữa các lĩnh vực khác nhau. Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, tất cả mọi công việc đều có khó khăn riêng. Nếu vượt qua được khó khăn đó thì đấy mới gọi là sáng tạo.
“Chúng ta cứ làm rồi có những vướng mắc đến đâu thì tháo gỡ đến đó. Nếu cứ chờ đợi đến khi có một cơ chế hoàn toàn thuận lợi, mọi thứ cực kỳ hoàn hảo mới tiến hành thì tôi nghĩ đã quá muôn. Ai có ý tưởng, ai có quan niệm hay, muốn tạo ra các sản phẩm mới, cứ mạnh dạn làm và kết quả sẽ trả lời. Khi đã có kết quả rồi thì chính quyền, người tiêu dung sẽ ủng hộ” - Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến lưu ý.
Hà Nội đang chứng tỏ vai trò của một trung tâm đổi mới và là địa phương dẫn đường cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Thành phố đang hiện thực hóa một tầm nhìn đầy cảm hứng: Kết hợp sự sáng tạo hiện đại với việc gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu. Đây chính là những tiền đề để các giá trị văn hóa trở thành động lực cho phát triển kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, để kế thừa và phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô ngàn năm văn hiến cần phải khơi thông nguồn lực, chính sách để phát huy sức mạnh và các nguồn lực từ văn hóa. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, trong nhiều năm trở lại đây, xây dựng công nghiệp văn hóa là chủ trương rất lớn và bắt đầu đi vào đời sống. Chính vì thế, Hà Nội cũng không thể làm ra được các quy chế, quy định chỉ hạn hẹp trong địa phương. Ở đây, Nhà nước phải ban hành những chính sách, phải tạo điều kiện cho các cá nhân, các nhóm tập thể sáng tạo. Đặc biệt, phải có sự kết hợp giữa các Bộ, ngành để khi đưa vào đi vào đời sống không có sự vướng víu, chồng chéo. Khi đó mới có thể hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để sáng tạo và tạo ra các sản phẩm mang tính công nghiệp văn hóa.
Hà Nội từ lâu đã được biết đến là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục quan trọng của đất nước, nơi lưu giữ những giá trị truyền thống, đồng thời là nơi khởi nguồn của nhiều xu hướng sáng tạo mới mẻ. Môi trường văn hóa Hà Nội ngày càng đa dạng, hấp dẫn, là nơi hội tụ, kết nối và thúc đẩy các cá nhân sáng tạo. Hà Nội có đầy đủ vị thế và sức mạnh để tập trung xây dựng một nền văn hóa, văn nghệ Thủ đô xứng tầm, theo tinh thần đổi mới. Trong đó, phát triển công nghiệp văn hóa là một ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.