Hoa Kỳ là quốc gia tiên phong trong ngành điện ảnh. Vào năm 1896, nhà sáng chế lừng danh Thomas Edison đã tài trợ và sản xuất một bộ phim gây tranh cãi dữ dội, khơi nguồn cho vấn đề kiểm duyệt phim ảnh ở Hoa Kỳ. Đó là bộ phim đen trắng kéo dài chỉ 23 giây – “The Kiss”. Bộ phim, như tên gọi, mô tả cảnh hôn nhau giữa 2 người tình. Hoa Kỳ lúc bấy giờ không chấp nhận việc thể hiện tình yêu nam nữ ở nơi đông người. Bên cạnh những người hào hứng về một ngành công nghiệp mới với những công nghệ mới, một bộ phận công luận cũng khẳng định bộ phim “The Kiss” sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức xã hội.

Khi công nghệ phim ngày càng phát triển, những nội dung, hình thức biểu hiện ngày càng phức tạp, phản ánh cuộc sống đa dạng, những tranh cãi ngày càng trở nên mạnh mẽ. Vào năm 1907, Chicago là nơi đầu tiên ở Hoa Kỳ xây dựng một đạo luật về kiểm duyệt phim. Theo đó, hội đồng thành phố buộc các nhà làm phim phải nộp bản phim cho cảnh sát địa phương để thẩm định và cấp phép trước khi công chiếu. Những bộ phim không nhận được giấy phép sẽ không được trình chiếu.

Bắt chước Chicago, các các tiểu bang khác lần lượt ban hành những đạo luật tương tự: bang Ohio (ban hành vào năm 1914), Kansas (năm 1915), Maryland (năm 1916), New York (năm 1921) và Virginia (năm 1922). Những đạo luật này nhanh chóng vấp phải sự phản đối.

Năm 1915, tranh cãi pháp lí giữa những người phản đối kiểm duyệt phim và các chính quyền tiểu bang, hội đồng thành phố được mang đến cấp Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Nhà báo John Hess của kênh Youtube FilmMakerIQ cho biết: Trong vụ kiện giữa hãng Mutual Film Corp với Ủy ban Công nghiệp tiểu bang Ohio năm 1915, phía hãng phim lập luận rằng, điện ảnh nhằm biểu đạt quan điểm của người dân, và vì vậy, phải được bảo vệ dựa trên Tu chính án thứ Nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ về quyền tự do ngôn luận.

"Tại phiên tòa, hãng phim khẳng định yêu cầu các bộ phim phải nộp trước cho chính quyền xem là đi ngược với nguyên tắc cấm “hạn chế trước”, vốn được hình thành trong các án lệ trước đó để bảo vệ tự do báo chí. Tuy nhiên, Tối cao Pháp viện cho rằng, việc trình chiếu các sản phẩm điện ảnh là một ngành thương mại đơn thuần, vì vậy, không thể được xem là một bộ phận của hệ thống báo chí quốc gia hay thể hiện quan điểm của một bộ phận công chúng, nên cũng không được hưởng quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp bang Ohio và Hiến pháp Liên bang Hoa Kỳ”.

978-1-4766-6952-6.jpg

Đối mặt với những cáo buộc từ nhiều phía, bản thân ngành điện ảnh non trẻ của Hoa Kỳ cũng phải tự đưa ra những chuẩn mực riêng, một mặt để xoa dịu dư luận, mặt khác để các nhà làm luật không quá chú ý đến công việc làm ăn của giới làm phim.

“Năm 1908, tại tiểu bang New York – thị trường điện ảnh lớn nhất Hoa Kỳ khi đó, một nhóm đại diện các tổ chức gồm: Liên đoàn các Nhà thờ, Liên đoàn Phụ nữ Độc lập, Hiệp hội Phòng chống Tội phạm... đề xuất thành lập Hội đồng Phân loại và Kiểm duyệt Điện ảnh New York. Nhiệm vụ của hội đồng là xem xét, đề xuất giải pháp cắt bỏ một số phân cảnh ngay từ giai đoạn tiền kỳ, để tránh việc bị chính quyền tiểu bang yêu cầu tiếp tục cắt bỏ sau đó”, nhà báo John Hess nói.

Năm 1930, Bộ Quy tắc Sản xuất Sản phẩm Điện ảnh (Motion Picture Production Code cùng với một số phụ lục) – thường được biết đến với tên gọi Hays Code – chính thức ra đời. Đây là nỗ lực chung của các nhà làm phim, đặt ra những nguyên tắc chung mà cộng đồng này phải tuân thủ để bảo đảm lợi ích của toàn ngành, trong đó có các nội dung như phải bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ đạo đức cộng đồng, khá tương đồng với mục đích của kiểm duyệt phim tại Việt Nam ngày nay.

pexels-paul-deetman-2695679-700x366.jpg

Năm 1934, Ủy ban Quy tắc (Production Code Administration) hình thành dựa trên Bộ Quy tắc chung và trở thành cơ quan kiểm duyệt tư nhân có tầm ảnh hưởng nhất nền điện ảnh Hoa Kỳ. Các bộ phim không được Ủy ban Quy tắc thông qua đồng nghĩa với việc bị tẩy chay hoàn toàn khỏi hệ thống phân phối. Các cơ quan của chính quyền cũng dựa trên những khuyến nghị của Ủy ban này để ra các quyết định cấm hay cho phép phát hành phim. Xin nhấn mạnh, đây là một tổ chức dân sự thuần tuý do các hãng phim tư nhân lập ra, không phải một cơ quan nhà nước. Hệ thống tự kiểm duyệt và kiểm duyệt nói trên tồn tại hơn hai thập kỷ và trở thành tiêu chuẩn mà mọi nhà sản xuất phim phải chấp hành.

Hiện nay, hầu hết các bộ phim Hoa Kỳ được phân loại và đánh giá thông qua các cơ chế tư nhân và các hội đoàn. Hiệp hội các nhà sản xuất và phát hành phim Hoa Kỳ (Motion Picture Producers and Distributors of America), hay được biết đến với tên gọi Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (Motion Picture Association of America – MPAA), là tổ chức có vai trò chủ yếu trong việc phân loại và đánh giá các sản phẩm phim ở nước này. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa các nhà làm phim và chính quyền chưa bao giờ có hồi kết. Thậm chí, MPAA từng phải thuê một chuyên gia PR chỉ để xoa dịu quan hệ giữa các nhà làm phim và chính quyền các tiểu bang và liên bang.

“Năm 1927, MPAA đã thuê ông William H. Hays, cựu Tổng giám đốc Bưu điện Hoa Kỳ và cựu lãnh đạo Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa, trả khoản lương 150 ngàn USD/ năm, nhiệm vụ của ông ta giảm bớt căng thẳng giữa các nhà làm phim và chính quyền các tiểu bang và chính quyền liên bang. William H. Hays là tác giả của bộ quy tắc có tên là ‘Đừng – Hãy cẩn thận’ đưa ra những cảnh báo dựa trên các vụ việc quá khứ từng bị hội đồng kiểm duyệt địa phương đưa vào danh sách cấm phổ biến. Danh sách này gồm 11 nội dung hoàn toàn bị cấm và 25 nội dung cần xem xét kĩ trước khi đưa vào phim”. Nhà báo John Hess cho biết.

Hiện nay, MPAA đưa ra một số nhãn phân loại như PG-13 (dành cho mọi khán giả, nhưng khuyến nghị có phụ huynh hướng dẫn) hoặc NC-17 (dành cho khán giả trưởng thành). Với những bộ phim quá tranh cãi và gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh, các rạp chiếu phim thường tự kiểm duyệt và không công chiếu, tức cũng là một nỗ lực tư nhân khác. Nếu xảy ra tranh chấp giữa các chủ thể về việc phát hành phim, vụ việc thường sẽ được giải quyết tại các toà án dân sự. Một số trường hợp hiếm hoi mà chính phủ liên bang quyết liệt cấm và điều tra thường liên quan đến những bộ phim khiêu dâm trẻ em (child pornography).