Hội vật làng Sình mở đầu bằng nghi lễ vái tạ Thành Hoàng của các bô lão tại đình làng, có ý nghĩa nhắc nhở con cháu nhớ đến ơn đức tổ tiên. Ở đây còn có tục lệ thả đèn lên trời, như một biểu tượng văn hoá của làng Sình báo hiệu hội vật diễn ra.

Anh Võ Sĩ Thành, một người dân làng Sình, xã Phú Mậu cho biết, năm nào làng Sình cũng tổ chức hội vật truyền thống, mục đích cầu dân làng gặp may mắn trong làm ăn: “Hàng năm em đều tham gia hội vật này. Em luôn tham gia với tinh thần thượng võ, học hỏi rèn luyện kinh nghiệm. Em tham gia năm ni là năm thứ 3 rồi. Em đến đây với tinh thần thượng võ.”

Sau tiếng trống khai hội, các đô vật biểu diễn những thế vật đẹp, tiếp đến là các đô vật lứa tuổi thiếu niên, thanh niên tham gia tranh tài. Các đô vật lên sới đấu không nhất thiết phải là người địa phương, mà bất kỳ người dân hoặc du khách nào cũng có thể đăng ký tham gia. Nếu người nào bị vật lấm lưng, trắng bụng là thua.

Đến nay, hội vật làng Sình đã có lịch sử hơn 400 năm tồn tại và phát triển. Từ khởi thuỷ, người dân tổ chức hội vật để giải trí vào những ngày đầu xuân và tuyển chọn võ sĩ khỏe mạnh cho triều đình lúc bấy giờ. Vật võ làng Sình đã trở thành một môn thể thao truyền thống. Người dân làng Sình dù có làm ăn sinh sống ở đâu, những ngày vui Tết đón xuân, họ cũng quay về làng để tham gia hội vật.

Ông Phạm Công Nhuận, Trưởng Ban Hội đồng tộc trưởng làng Sình cho biết: “Truyền thống hàng năm của làng Sình chúng tôi là vật thường năm là mùng 10 tháng Giêng. Các đô vật về dân làng là vật võ truyền thống. Con dân làng đi đó đi đây cũng nhớ ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch, đồng thời, cũng để giữ ngày hội của làng. Khán giả ai có tinh thần, sức khỏe là cứ lên thi đấu.”

Một số hình ảnh tại Hội vật làng Sình:

PV Lê Hiếu/VOV Miền Trung