Ngày 14/3, tại Khu di tích Lăng Bà Thu Bồn (xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên), nhân dịp Lễ hội Bà Thu Bồn (diễn ra trong 02 ngày 11,12 tháng 2 âm lịch), UBND tỉnh Quảng Nam và huyện Duy Xuyên tổ chức Lễ đón Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Bà Thu Bồn và chào đón Năm du lịch Quốc gia “Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh”.

Theo UBND huyện Duy Xuyên, Lễ hội Bà Thu Bồn có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân vùng thượng lưu sông Thu Bồn; đồng thời cũng thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Chăm, Cơ Tu, Kinh sinh sống vùng thượng lưu sông Thu Bồn.

Lễ hội mang màu sắc tín ngưỡng dân gian được truyền qua bao đời, thể hiện lòng thành kính, tôn vinh, tri ân công đức của Bà và các vị tiền nhân trong công cuộc mở cõi, lập làng, tạo cơ sở và điều kiện cho các thế hệ kế tiếp an cư lạc nghiệp, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Có nhiều truyền thuyết về hoàn cảnh xuất thân cũng như quá trình sinh sống của Bà Thu Bồn. Song tất cả đều hội tụ điểm chung: Bà là hiện thân của lòng yêu thương con người, là người mẹ của quê hương, xứ sở, mang sắc màu thần bí, hiển linh; là biểu tượng của khát vọng đất nước thái bình, là ý chí vươn lên để chiến thắng thiên tai, địch họa và đói nghèo.

Sự hiển linh của Bà trong “Hộ quốc tý dân” (Bảo vệ nước, che chở dân) được các vị vua triều Nguyễn ban tặng 8 sắc phong: 1 sắc phong thời Minh Mạng; 2 sắc phong thời Thiệu Trị; 2 sắc phong thời Tự Đức; 1 sắc phong thời Thành Thái; 1 sắc phong thời Duy Tân; 1 sắc phong thời Khải Định. Các sắc phong này cung cấp nhiều thông tin quý giá về phẩm cấp của Bà qua thời gian.

Để ghi nhớ công ơn của Bà Thu Bồn, từ bao đời nay dân làng Thu Bồn đã góp công, góp của xây dựng Lăng Bà và hằng năm tổ chức các hoạt động tế lễ vào hai ngày 11 và 12 tháng 2 âm lịch để tạ ơn Bà đã che chở, phù hộ.

Lăng Bà được trùng tu mới hoàn toàn vào năm 2003 và được trùng tu lại lần 2 vào năm 2016 theo kiến trúc hiện đại gồm có tiền đường và hậu tẩm. Lăng được xây dựng trên một khuôn viên rộng về hướng Đông, phía trước có bình phong, bên phải lăng có tấm bia đá khắc chữ Chăm cổ và một tấm bia đá khắc ghi nội dung di tích đã được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 436, ngày 15/02/2005, xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Trong phần lễ của Lễ hội Bà Thu Bồn có các nghi thức: Lễ rước Sắc, Lễ rước nước, Lễ đại tế tại Lăng Bà. Trong đó, Lễ rước Sắc được tiến hành trên cạn vào chiều ngày 11 tháng 02 (âm lịch) với 9 đội hình gồm: lân; cờ đại; cờ ngũ sắc; nhạc cổ; trống chiêng; kiệu rước Sắc; lính hộ tống; đội hình phụ nữ và bô lão.

Lễ rước nước là phần sôi động nhất, rực rỡ nhất của Lễ hội Bà Thu Bồn, được tiến hành từ sáng sớm ngày chính lễ (12/2 âm lịch) trên không gian rộng lớn từ thượng nguồn sông Thu Bồn về tới Lăng Bà bằng cả thuyền và đám rước bộ với hàng trăm người tham gia.

Phần hội với nhiều hoạt động văn hóa thể thao sôi nổi như hô hát bài chòi, hội hoa đăng, hội thi ẩm thực, các trò chơi dân gian và đặc biệt là hoạt động đua thuyền.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên khẳng định: Đảng bộ và nhân dân huyện Duy Xuyên sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hơn nữa trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản. Trước mắt là tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa lịch sử, văn hóa của di tích, di sản tới đông đảo các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ, bảo tồn di sản gắn liền với các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, đưa di sản đến với nhân dân cả nước và thế giới. Đồng thời tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ, văn hóa của địa phương và khu vực.