Từ khi ra đời cho đến nay, Then có ảnh hưởng lớn về mặt tinh thần trong đời sống các dân tộc Tày, Nùng, Thái, đặc biệt là ý nghĩa nhân văn, giáo dục con người hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Người làm Then bao gồm cả nam và nữ. Nữ giới làm Then được gọi là “mè Then”, “nàng Then”; nam giới làm Then được gọi là “ông Then”, “Dàng, chàng Then”…

Lẩu Then là nghi lễ quan trọng nhất trong thực hành Then. Nghi lễ này được tiến hành rất cầu kỳ, với sự tham gia của nhiều Then trong dòng, cùng với đó là sự góp mặt của họ hàng, bạn bè và hàng xóm láng giềng... Ngoài ra thực hành Then còn có rất nhiều loại hình nghi lễ khác, tùy vào mục đích khác nhau mà gia chủ sẽ mời thầy Then đến thực hành nghi lễ tương ứng. Có thể kể đến như: Then nối số, Then bổ lương, Then cầu phúc, Then cầu tự, Then nhân duyên, Then chữa bệnh…

Then có điểm tương đồng với Lên đồng của người Việt ở hình thức nhập hồn; đều diễn ra trước bàn thờ trong một khung cảnh thiêng liêng tạo nên một thứ diễn xướng, sân khấu tâm linh thu hút đông đảo cộng đồng; đều là liệu pháp tinh thần, đều đem lại cho con người một niềm tin, làm cho con người có những phút giây thăng hoa, tạm quên đi những lo âu của cuộc sống thường nhật.

Khi gia đình có người bị bệnh, người Thái sẽ đi mời thầy Then về để “tìm hồn vía lạc”. Vai trò của ông Then, bà Then là những người có thể dẫn đội âm binh đi đến các thế giới vô hình. GS Tô Ngọc Thanh, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam lý giải về việc xuất hiện vai trò của ông Then, bà Then đáp ứng nhu cầu chữa bệnh: “Khi người ốm là hồn có thể bay vào rừng, cũng có thể bay lên trời và xảy ra tình trạng bị các chủ nhân của các thế giới đó bắt làm tù binh hoặc là hồn của con người lạc đến những thế giới đó mà không biết đường về. Như thế phải đi tìm hồn trả về cho thân xác”.

Người Việt quan niệm 3 hồn, 7 vía hay 9 vía cho nam và nữ. Còn người Thái không phân biệt, nam và nữ đều có 80 hồn, mỗi hồn ứng với một cơ quan của con người. Trong câu chuyện với chúng tôi, GS Tô Ngọc Thanh chia sẻ những quan niệm ăn sâu trong tiềm thức của đồng bào Thái: “Đau đầu là hồn đầu bay đi, đau chân là hồn chân bay đi. Khi ông Then, bà Then đem hồn trả lại thân xác thì khỏi bệnh. Ở đây còn có yếu tố của tự kỷ ám thị trong tâm lý. Tức là người ốm tin rằng mình được trả lại hồn vía cho nên cơ thể họ hồi phục. Nó khiến cho những gì liên quan đến vận mệnh sức khỏe thì Then can thiệp”.

Trong quan niệm của người Thái, các ông Then, bà Then là những vị quan chức nhà trời được Ngọc Hoàng cho phép đi lại gặp gỡ các vị thần linh trong khắp thế giới 3 tầng, đôi khi họ cũng nhập hồn thần linh để mang lại niềm tin và sự bình ổn trong tinh thần của những người bệnh và gia đình của họ. Thầy Then bằng tiếng đàn đầy mê hoặc, bằng lời hát giàu hình ảnh, có lối so sánh, ví von, ẩn dụ tinh tế khiến cho những người tham dự những buổi hành lễ cầu an, cầu tự, nối số, chữa bệnh… tin rằng thần linh đã thấu tỏ và chấp nhận lời cầu xin của họ.

Cũng theo GS Tô Ngọc Thanh, từ lâu trong đời sống của người Thái, những người được ông Then, bà Then chữa bệnh đều trở thành con nuôi của họ. Và khi ông Then, bà Then đi làm lễ thì các con nuôi đến múa, rồi hát theo. Khi một gia đình mời Thầy Then về làm lễ thì không chỉ anh em trong dòng họ mà bà con bản trên, xóm dưới cũng tới tham dự, thậm chí họ còn ngủ đêm tại nhà chủ. Trong Then, yếu tố âm nhạc, lời ca có vai trò quan trọng đem lại cảm giác thăng hoa không những cho người thực hành lễ là các ông Then, bà Then mà còn cho cả những người tham dự. Có mặt trong những buổi làm Then, bà con quên đi những đau khổ của cuộc sống, đi cùng với đoàn quân Then đi lên trời, họ sống với Then, sống với cuộc sống mà đoàn quân Then đi, họ thả mình vào đó và họ là một phần của đoàn quân đó.

Từ nhân lõi là yếu tố tín ngưỡng, Then đã sản sinh và tích hợp nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật, tạo nên một hiện tượng văn hóa dân gian tổng thể. Nghi lễ Then là một sự kết hợp rất nhiều yếu tố nghệ thuật: ca hát, âm nhạc, nhảy múa, trò diễn. Trong nghi lễ Then, lời hát Then và âm nhạc kết hợp với nhau rất chặt chẽ. Cũng có lúc trong nghi lễ, không có hát mà chỉ tấu nhạc, nhưng thường xuyên hơn là nhạc đệm cho hát. Theo nhạc sĩ Đặng Hoành Loan – Viện Âm nhạc Việt Nam, sân khấu kể chuyện bằng âm nhạc của Then làm nên sức lôi cuốn mọi người: “Âm nhạc làm cho người ta nhập vào Then. Then là âm nhạc chữa bệnh, đưa người ta vào rất nhiều câu chuyện cả trần tục và tiên thánh, đưa người ta đến thế giới mà thế giới đó là sự giao nhau giữa thực tiễn và phi thực tiễn”.

Nhạc của các buổi Then nghi lễ là nhạc của cây đàn tính và bộ nhạc xóc. Nhạc xóc biểu tượng cho tiếng vó ngựa của Then dùng trong cuộc hành trình lên Thiên đình. Nhạc xóc cũng đệm cho hát và múa, lúc nhỏ nhẹ khoan thai, lúc dồn dập như vó ngựa phi nước đại. Tùy từng tính chất của buổi lễ mà các ông Then, bà Then sử dụng các làn điệu khác nhau. Sự đa dạng phong phú của tiết tấu âm nhạc trong các buổi lễ Then làm cho người dự không nhàm chán.

Còn theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ma Văn Đức ở thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, tính nhân văn trong lời hát Then là yếu tố đầu tiên làm nên sức hấp dẫn của Then: “Trong Then có nhiều tích truyện giải thích nguồn gốc một số sự vật, hiện tượng về vũ trụ và thiên nhiên. Trong Then chứa đựng nhiều nội dung có giá trị như tính nhân văn, đề cao đạo đức lối sống, coi trọng nghĩa vợ chồng”.

Then sản sinh và tích hợp các giá trị văn hóa nghệ thuật và trở thành một sân khấu, thỏa mãn các nhu cầu tâm linh và thưởng thức nghệ thuật của đông đảo người dân. Việc kết hợp giữa niềm tin vào sự linh thiêng của nghi lễ với các sắc thái biểu cảm đa chiều của âm nhạc và lời ca đã có tác động trực tiếp tới trạng thái tâm thần của người bệnh, củng cố niềm tin cho họ vào kết quả chữa bệnh của thầy Then. Như vậy, trong những trường hợp cụ thể, việc chữa bệnh bằng liệu pháp tinh thần của Then là có thực.