Không quá khó để chúng ta bắt gặp những vụ việc ẩu đả sau va chạm giao thông, lột đồ đánh ghen giữa chốn đông người, tạo dáng trên băng chuyền hành lý tại sân bay hay hút thuốc trên máy bay bất chấp các quy định về an toàn… Theo Thạc sĩ Lại Vũ Kiều Trang, giảng viên Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, tuy những hành vi thiếu văn minh ấy chỉ rơi vào một số người nhưng cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng, gây những hệ lụy xấu cho xã hội.

“Nói tục, chửi bậy, viết vẽ lên tường hoặc cãi nhau, đánh nhau, hút thuốc nơi công cộng… tưởng là chuyện nhỏ nhưng đây thực sự là một vấn đề lớn của xã hội khi mà nó diễn ra hàng ngày, hàng giờ và ở khắp mọi nơi. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới cá nhân mà còn ảnh hưởng tới môi trường an toàn và thoải mái của những người xung quanh. Tôi thiết nghĩ đây là một vấn đề cần được quan tâm mạnh mẽ hơn, có những cách thức để thay đổi thái độ và hành vi”- Thạc sĩ Lại Vũ Kiều Trang nhấn mạnh.

Cũng theo các chuyên gia, hành vi ứng xử thiếu văn minh nơi công cộng là hành vi nhỏ nhưng sẽ gây “lỗ hổng văn hóa” lớn bởi “sai một ly đi một dặm”. Nếu không được quan tâm ngăn chặn sẽ làm tăng nguy cơ mất trật tự và an ninh công cộng. Những hành vi kém văn minh như gây rối, quấy rối, đấu đá có thể làm mất trật tự và an ninh trong các khu vực công cộng. Điều này tạo ra một môi trường không an toàn cho cộng đồng và có thể làm tăng nguy cơ về tội phạm và xung đột, làm giảm chất lượng cuộc sống và tăng cảm giác bất an cho cộng đồng. Nguy hại hơn là những hành vi kém văn minh sẽ tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế và du lịch. Bởi lẽ, môi trường không văn minh và không an toàn có thể làm giảm sự thu hút của một địa điểm đối với du khách và nhà đầu tư. Điều này có thể gây ra tổn thất kinh tế và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và du lịch của khu vực đó.

Thực tế đáng buồn là, dù ở những không gian công cộng đều có những quy định chung nhưng dường như không nhiều người chú ý đọc, thậm chí có thể đọc rồi, biết rồi nhưng vẫn không tuân thủ. Hơn nữa, cũng đã có nhiều vụ việc bị xử lý, nhưng những hành xử kém văn minh nơi công cộng vẫn diễn ra nhan nhản. Theo các chuyên gia, tình trạng này do rất nhiều nguyên nhân, mà một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là do thiếu ý thức và chế tài xử phạt còn thiếu tính răn đe. Vì vậy, để “lấp đầy lỗ hổng văn hóa” này cần phải có những biện pháp mạnh. “Bằng cách xử lý nghiêm minh những hành vi không đúng mực, chúng ta gửi đi thông điệp rằng việc này không được chấp nhận trong xã hội. Điều này có thể góp phần tạo ra một môi trường xã hội đồng thuận, văn minh, và an toàn cho mọi người” - Thạc sĩ Lại Vũ Kiều Trang bày tỏ.

Một trong những biện pháp được nhiều người đề xuất là sử dụng mạng xã hội để giám sát xã hội. Mạng xã hội có thể được sử dụng để tạo ra các cộng đồng trực tuyến nơi mọi người có thể trao đổi ý kiến, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về việc duy trì văn minh nơi công cộng; cung cấp một phương tiện nhanh chóng và hiệu quả để người dùng có thể báo cáo những hành vi không đúng mực mà họ chứng kiến trong xã hội. Các diễn đàn trực tuyến và nhóm mạng xã hội có thể trở thành nơi thảo luận và học hỏi về cách thức ứng xử đúng mực. Các cơ quan chức năng và tổ chức có thể sử dụng thông tin này để thực hiện các biện pháp cần thiết. Tuy nhiên, sử dụng mạng xã hội cũng sẽ là “con dao hai lưỡi” và có thể mang lại những hậu quả không mong muốn, bao gồm việc lan truyền thông tin sai lệch, bôi nhọ danh tiếng của người khác, tạo xung đột mới và phản ứng thái quá hoặc sự lạm dụng thông tin cá nhân. Thậm chí xung đột nhiều chiều của các cá nhân ngồi sau màn hình có thể dẫn tới những ẩu đả không đáng có. Do đó, cần phải thận trọng và cân nhắc khi sử dụng mạng xã hội để giám sát và đóng góp vào việc xây dựng văn minh trong xã hội.

Thạc sĩ Lại Vũ Kiều Trang cho rằng, để xây dựng môi trường hành xử văn minh nơi công cộng cần có sự phối hợp của các cơ quan quản lý cũng như các tổ chức xã hội, đặc biệt là giới trẻ như tổ chức Đoàn TNCS HCM, các tổ chức học sinh, sinh viên…. Tổ chức các chiến dịch truyền thông và giáo dục nhằm tăng cường nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của hành xử văn minh. Việc tổ chức các cuộc thi về văn hóa ứng xử cũng sẽ là một cách hữu hiệu để nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Cùng với sự hoàn thiện về các quy định của pháp luật và sự tăng cường của các cơ quan quản lý nhà nước, mỗi công dân cần thể hiện trách nhiệm cụ thể để góp phần xây dựng văn hóa, văn minh nơi công cộng. Trong đó, điều quan trọng nhất mà mỗi công dân cần làm là tuân thủ các quy định và luật lệ của địa phương, quốc gia về ứng xử và hành vi trong các không gian công cộng. Việc tuân thủ luật pháp là nền tảng để xây dựng một xã hội văn minh và an toàn. Thứ hai là cần tôn trọng, quan tâm đến quyền lợi và cảm nhận của người khác trong các tình huống giao tiếp và tương tác nơi công cộng. Điều này bao gồm việc không làm phiền hoặc quấy rối người khác, giữ vệ sinh và sạch sẽ, luôn tôn trọng nguyên tắc của sự đa dạng và bình đẳng.

Bên cạnh đó, mỗi công dân cần có sự tham gia vào các hoạt động tích cực như các chiến dịch làm sạch môi trường, hoạt động tình nguyện, các sự kiện văn hóa và giáo dục để góp phần vào việc tạo ra một môi trường văn minh và tích cực. Công dân có thể tự giáo dục bản thân và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về hành vi và ứng xử văn minh với người khác. Việc này có thể thúc đẩy nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của văn minh trong cuộc sống hàng ngày. Cuối cùng, mỗi người đều có thể là một mẫu hình tích cực cho người khác bằng cách thực hiện những hành động văn minh, lịch sự và tôn trọng trong mọi tình huống và môi trường.

Văn minh nơi công cộng là tôn trọng những người xung quanh và chấp hành luật lệ một cách tự giác. Hành xử văn minh nơi công cộng là một phần làm nên văn hóa. Mỗi dân tộc có thể giàu nghèo khác nhau, nhưng văn hóa trong mỗi con người, trình độ văn minh của cả xã hội là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Đó được xem là một trong những thước đo, là chỉ số quan trọng của một đất nước. Do vậy, cùng với những quy định của pháp luật, mỗi người dân đều cần có trách nhiệm tạo dựng nên chỉ số ấy bằng chính những hành vi, ứng xử của mình.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 và thạc sĩ Lại Vũ Kiều Trang tại đây: