Thời gian qua, các hoạt động văn hóa đối ngoại, quảng bá hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện thường xuyên trên diện rộng, trọng điểm tại những địa bàn truyền thống, những đối tác quan trọng trong quan hệ quốc tế và hướng đến những địa bàn xa còn hiểu biết ít về Việt Nam. Những hoạt động này gây được tiếng vang và tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng bè bạn về truyền thống văn hóa nghệ thuật Việt Nam cũng như nâng tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên thế giới.

Theo ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì hiện nay trên thế giới, trong bối cảnh toàn cầu hóa và đặc biệt là sự bùng nổ của khoa học công nghệ thì ngoại giao bây giờ đã vượt ra khỏi khỏi danh giới địa lý và nó diễn ra ở cả cái không gian thực và không gian ảo.

"Trước đây, ngoại giao văn hóa là để tiến hành trong một cái nhóm tinh hoa nhỏ và đằng sau cánh cửa phòng đóng kín. Nhưng giờ đây thì Chính phủ không còn là chủ thể duy nhất nữa và không chỉ là ngoại giao giữa các Chính phủ mà khái niệm được mở rộng thành ngoại giao văn hóa, ngoại giao công chúng, thậm chí là những cơ quan siêu quốc gia và các tổ chức quốc tế phi chính phủ, các tập đoàn quốc gia...", ông Trần Nhất Hoàng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đa số các hoạt động ngoại giao văn hóa hay quảng bá văn hóa Việt Nam hiện chủ yếu vẫn do khối Chính phủ, Nhà nước chủ trì mà chưa có dấu ấn sâu đậm từ phía khu vực tư nhân. Chia sẻ về điều này, ông Trần Nhất Hoàng cho rằng, trong công tác ngoại giao văn hóa và đối ngoại văn hóa, thì xác định là Nhà nước có vai trò chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ về cơ chế, chính sách rồi xây dựng thông điệp hình ảnh quốc gia... đây chính là trách nhiệm và nhiệm vụ của cơ quan nhà nước phải làm. Nhà nước cũng có những thuận lợi hơn khi gắn kết các hoạt động quảng bá với các hoạt động của các đoàn cấp cao và lãnh đạo Đảng, Nhà nước...

"Để thành công hiệu quả và có sức lan tỏa thì chúng ta cần hơn nữa sự huy động các nguồn lực, sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, của cộng đồng văn hóa, các anh chị em nghệ sĩ, doanh nghiệp và địa phương... Khi chúng ta hài hòa được sự tổng hợp các nguồn lực này thì có thể nói là hình ảnh quốc gia, sức mạnh mềm của quốc gia sẽ được phát triển đáng kể. Quan trọng hơn nữa, cần phải nghiên cứu, đầu tư và phải xác định những điểm trọng yếu là sức mạnh văn hóa của Việt Nam để tạo ra sản phẩm cụ thể mang ra nước ngoài và tôi tin rằng trong đó cơ chế chính sách của Nhà nước thúc đẩy công việc này cũng rất quan trọng", ông Trần Nhất Hoàng nhấn mạnh.

Ngoại giao văn hoá chủ động, tích cực không chỉ giúp chúng ta quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, có thêm nguồn lực phát triển văn hóa, mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, qua đó khẳng định sức mạnh mềm của dân tộc, tạo thuận lợi cho quá trình ngoại giao văn hóa hội nhập quốc tế toàn diện.

- Việt Nam chủ động tham gia, thể hiện vai trò tích cực tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế về văn hóa, trong đó nổi bật có Tổ chức giáo dục, khoa học, văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), APEC, ASEAN… Bên cạnh đó, các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài đã và đang triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, thực sự trở thành cầu nối trong quan hệ văn hóa đối ngoại; là điểm đến tin cậy của cộng đồng người Việt Nam ở xa Tổ quốc và bạn bè quốc tế có nhu cầu tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam.

- Có thể kể đến sự kiện Triển lãm EXPO (EXPO Thượng Hải 2010, EXPO Hàn Quốc 2012, EXPO Milan 2015, EXPO Astana 2017 và EXPO Dubai 2021); Các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh quốc tế vào Việt Nam và các triển lãm của Việt Nam ra nước ngoài; Tuần/ Ngày văn hóa Việt Nam, các Lễ hội văn hóa - du lịch ở nhiều nước trên thế giới; Hay các hoạt động quảng bá quốc tế khác như Festival Huế, Festival Trà Thái Nguyên, giao lưu văn hóa các địa phương biên giới Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia, các chương trình Năm Du lịch quốc gia tại các địa phương...

- Việt Nam cũng chú trọng xây dựng, phát triển các hình thức quảng bá trực tuyến như website, mạng xã hội, các ấn phẩm, vật phẩm quảng bá (sách, tài liệu, phim ảnh đặc sắc...), chủ động làm việc với các đối tác nước ngoài như CNN, BBC, các sách, báo, tạp chí quốc tế để triển khai các chiến dịch quảng bá, giới thiệu về văn hóa và du lịch Việt Nam với thời lượng lớn (từ 1-3 tháng), phát sóng liên tục trên quy mô lớn…

Mời nghe cuộc trao đổi tại đây: