Xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội là một trong những vùng quê giàu truyền thống văn hóa lịch sử. Không chỉ nổi tiếng với nhiều di tích cổ như ngôi chùa Hương Trai hơn 700 năm tuổi, Quán Dương Liễu được coi là “tối cổ”, chùa Đồng, Chùa Bãi, Đình Hàng Tổng… mà Dương Liễu còn là nơi sản sinh nhiều vị danh nhân của đất nước, là vùng đất khoa bảng. Cùng với 3 vị tiến sĩ thời phong kiến là Tiến sĩ Nguyễn Danh Dự, Tiến sĩ Nguyễn Phi Kiến và Tiến sĩ Phí Đăng Nhậm thì quan Hồng Lô Tự Khanh Nguyễn Bá Luận vẫn luôn được người Dương Liễu ngưỡng vọng và tôn kính cho tới ngày nay.
Theo các tư liệu của dòng họ Nguyễn Bá ở Dương Liễu, Nguyễn Bá Luận (thường được dân làng kính cẩn gọi là Cụ Hồng Lô) sinh năm 1887, trong một gia đình nền nếp gia phong ở làng Dương Liễu, xã Dương Liễu, tổng Dương Liễu, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, nay là xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Bình, cũng là hậu duệ dòng họ Nguyễn Bá cho biết: “Lúc còn nhỏ cụ rất sáng dạ, thông minh. Chính vì thế cho nên năm 1904 cụ Nguyễn Bá Huấn, hay còn gọi Đội Huấn, là chú của cụ thấy cụ thông minh, cho nên xin cho cụ vào trường Phong Túc học tập. Trường Phong Túc ngày xưa là do Pháp quản lý. Do vậy cụ Nguyễn Bá Luận được sang Pháp học. Năm 1916 cụ về nước, được vào kinh thành báo cáo công việc học tập với triều đình. Nhà vua thấy cụ học giỏi và có tài năng nên đã phong cho cụ là Hồng Lô Tự Khanh Tướng rồi gả công chúa Lương Khanh cho cụ”.
Từ đó, Nguyễn Bá Luận làm quan cuối triều Nguyễn, sự nghiệp chủ yếu gắn liền với việc đào tạo nhân tài cho đất nước. Nguyễn Bá Luận từng dạy học ở trường Quốc học Huế ở kinh thành Huế, Quốc học Vinh (Nghệ An) và Trường Bưởi (Hà Nội). Năm 1930 Nguyễn Bá Luận được cử làm Đốc học ngũ tỉnh Bắc Bộ và đồng bằng Sông Hồng.
Với tài năng và đức độ, Quan Hồng Lô Tự Khanh Nguyễn Bá Luận đã đào tạo được nhiều học trò ưu tú. Trong đó có nhiều người sau này là tiền bối cách mạng như Trần Phú, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hà Huy Giáp, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Xiển, Phạm Thiều, Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt….
Không chỉ là vị quan thanh liêm, chính trực, Hồng Lô Tự Khanh Nguyễn Bá Luận còn có nhiều đóng góp cho quê hương như góp ý xây dựng hương ước, sửa chữa đê điều và giúp dân ổn định đời sống.
Đặc biệt, sau khi nghỉ hưu năm 1944, cụ Nguyễn Bá Luận về sinh sống tại quê nhà và có những đóng góp cho phong trào cách mạng, che chở cho nhiều cán bộ hoạt động. Khi giặc Pháp quay lại chiếm đóng trên quê hương Dương Liễu, do giỏi tiếng Pháp nên cụ đã giúp dân làng vượt qua nguy nan, tránh họa đốt nhà, giết người vô cớ do giặc Pháp gây ra.
Không chỉ sẵn sàng tiếp sức cho phong trào cách mạng ở Dương Liễu, gia đình cụ Nguyễn Bá Luận còn chia ruộng đất cho những người dân nghèo. Ông Nguyễn Bá Tuyết, cháu của cụ Nguyễn Bá Luận chia sẻ, con cháu trong dòng tộc luôn nhớ về cụ với tấm lòng thành kính cùng những lời răn dạy được truyền lại. “Trong đó, chúng tôi nhớ nhất là cụ mong con cháu theo những nghề có ích như nghề y để cứu người, nghề dạy học để đào tạo hiền tài cho đất nước, quê hương. Cụ có tâm vô cùng trong sáng, biết trên biết dưới biết trước biết sau không làm gì ảnh hưởng đến dân. Đến bây giờ nhiều người vẫn còn nhớ cụ, vẫn ca ngợi cụ, vẫn kính nể cụ. Chúng tôi học tập cụ rất nhiều’ - Ông Nguyễn Bá Tuyết chia sẻ.
Năm 1968 do tuổi cao sức yếu, quan Hồng Lô Tự Khanh Nguyễn Bá Luận mất, hưởng thọ 82 tuổi.
Với những đóng góp cho quê hương, dòng tộc, hiện nay quan Hồng Lô Tự Khanh Nguyễn Bá Luận được thờ tự tại từ đường của dòng họ ở xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Tại đây còn lưu giữ nhiều tư liệu có giá trị lịch sử. Trong đó có đôi câu đối được phiên âm: “Nhất sinh chí khí thu hồ đán – Quảng hạ thí hoài tam thiếu lăng”, tạm dịch là : Chí khí nam nhi cao nhất, cất lên từ buổi sớm – Từ thưở thiếu thời đã vượt qua nhiều thử thách để trở thành nhà trí thức”.
Là một vị quan thanh liêm, chính trực, một nhà giáo có nhiều đóng góp cho đất nước, quan Hồng Lô Tự Khanh Nguyễn Bá Luận xứng đáng là tấm gương cho hậu thế học tập, noi theo. Tự hào về bậc tiền nhân, con cháu dòng họ Nguyễn Bá luôn phát huy truyền thống hiếu học. Hàng năm, Hội đồng gia tộc Nguyễn Bá Dương Liễu lại tổ chức lễ mừng thọ các cụ cao niên và tổ chức lễ trao thưởng khuyến học khuyến tài cho con em tạo không khí thi đua sôi nổi lành mạnh.
Ông Nguyễn Danh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Liễu nhận định: “Để ghi công ơn của những bậc tiền nhân đi trước, những người có công với nước, đồng thời phát huy truyền thống hiếu học, xã chúng tôi luôn nêu cao công tác tuyên truyền để tất cả thế hệ trẻ theo gương các cụ tiến sỹ của làng và đặc biệt là Cụ Nguyễn Bá Luận, bởi cụ là một tấm gương hiếu học. Các dòng họ tiêu biểu như dòng họ Nguyễn Danh, dòng họ Phí và dòng họ Nguyễn Bá là những dòng họ phát huy mô hình khuyến học, khuyến tài rất tốt và họ đã duy trì mô hình này đều và rất có hiệu quả”.
Mời nghe nội dung bài viết tại đây: