Những ngày gần đây, sự cố bài Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trong một buổi tường thuật bóng đá trên Youtube khiến dư luận bức xúc, cho thấy nhận thức yếu kém về quyền tác giả và quyền bản ghi trên môi trường số. Rất nhiều ý kiến cho rằng, Quốc ca mang một giá trị đặc biệt với mỗi quốc gia, do vậy cần được ứng xử một cách đặc biệt; và cần phải có một bản nhạc “chuẩn cấp quốc gia”.

Đài TNVN - với cương vị là một Đài Phát thanh Quốc gia, đã tổ chức dàn dựng, hòa âm phối khí một bản Quốc ca chuẩn từ cách đây 23 năm. Bản ghi âm Quốc ca do Đài TNVN thực hiện được cho phép sử dụng chính thức trong các nghi lễ của quốc gia từ năm 1998 đến nay.

Thực hiện một bản ghi âm Quốc ca vào năm 1998 không hề đơn giản. Câu chuyện đó, dù qua một thời gian dài vẫn còn sống động trong tâm trí những cán bộ VOV như nhà báo Trần Mai Hạnh, nguyên Tổng giám đốc Đài TNVN.

Nhà báo Trần Mai Hạnh là một phóng viên chiến trường nổi tiếng đã từng có mặt trong những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước như ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/04/1975. Ông một lần nữa là nhân chứng sống, hơn thế là người đề xuất, tổ chức thực hiện việc thu âm bản ghi Quốc ca ở Đài TNVN năm 1998.

Chia sẻ với phóng viên VOV2, nhà báo Trần Mai Hạnh kể khi đó ông vừa về nhận công tác tại Đài TNVN. Trước đó, ông đã có dịp ngồi trò chuyện với cố nhạc sỹ Văn Cao, và cảm nhận được tâm tư nguyện vọng của tác giả bài Tiến quân ca. Ở thời điểm đó, bản Quốc ca đang sử dụng đã được ghi âm từ lâu, bằng những thiết bị âm thanh không được tốt, qua thời gian đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Sau khi nhạc sỹ Văn Cao qua đời, gia đình chuyển giao quyền tác giả Tiến quân ca cho Nhà nước vào năm 1996, nhà báo Trần Mai Hạnh bàn với Ban lãnh đạo Đài TNVN, phải thực hiện một bản ghi Quốc ca mới.

“Thu lại Quốc ca là việc hệ trọng", nhà báo Trần Mai Hạnh nói. "Do đó, tôi đã kí và gửi công văn cho Ban Tuyên giáo Trung ương (hồi đó là Ban Tuyên huấn) để báo cáo lên Ban Bí thư. Đài TNVN chủ trương ghi âm lại Quốc ca với tinh thần hùng tráng, thiêng liêng, hiện đại, bắt kịp với xu thế hội nhập mở cửa của đất nước trong thời kì hiện đại hóa - công nghiệp hóa. Nếu được đồng ý, Đài sẽ lập một hội đồng tiến hành tổ chức ghi âm, nghiệm thu bản ghi âm đó rồi báo cáo với Ban Tuyên giáo Trung ương. Chủ trương đó được Ban Tuyên giáo Trung ương đồng ý”.

Sau đó, Đài TNVN đã mời nhiều nhạc sỹ, nhà quản lí tham gia vào quá trình tổ chức thực hiện bản ghi âm Quốc ca. Phần chỉ huy dàn nhạc được giao cho nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân và nhạc sĩ Cao Việt Bách. Hội đồng nghiệm thu còn có nhạc sĩ Trần Hoàn, lúc đó là Phó Ban Tuyên giáo Trung ương; nhạc sĩ Trung Kiên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay tách thành Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Bộ Thông tin Truyền thông); nhạc sĩ Trọng Bằng, chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia.

Sau nhiều cuộc họp, ghi âm đi ghi âm lại, chỉnh sửa nhiều lần, một bản phối mới Quốc ca đã ra đời với đúng tinh thần hiện đại, hùng tráng, thiêng liêng, có sự tham gia của Dàn Hợp xướng Đài TNVN và Dàn nhạc giao hưởng, khiến ai nghe cũng cảm thấy xúc động. Việc hòa âm phối khi được thực hiện tại phòng thu của Đài TNVN (hồi đó là một trong những phòng thu hiện đại nhất cả nước).

Bản ghi âm này sau đó đã được Ban Tuyên giáo Trung ương duyệt, cho phép phát hành trong cả nước và yêu cầu sử dụng chính thức trong các nghi lễ trọng thể của Đảng, Nhà nước, các địa phương, đoàn thể như: Các buổi lễ mít tinh, Đại hội Đảng, các đại hội đoàn thể, các sự kiện có chào cờ… Bộ nhạc Nghi Lễ chào cờ hạ cờ ở Lăng Bác đang dùng hàng ngày hơn 10 năm qua cũng được thu ở phòng thu M của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Bản ghi Quốc ca này hiện đang được lưu tại Trung tâm Sản xuất và Lưu trữ chương trình của Đài TNVN, có đầy đủ quyền bản ghi. Đài TNVN sẵn sàng cung cấp miễn phí cho mọi cá nhân và tổ chức có nhu cầu sử dụng trên cơ sở tuân thủ luật pháp và Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam đối với bản nhạc Quốc ca.