Cách đây không lâu, tờ Apple Daily của Đài Loan đã cho đăng tải hình ảnh hai vị khách người Việt đang đi tiểu xuống hồ Nhật Nguyệt, một điểm du lịch nổi tiếng ở Đài Loan trong khi nhà vệ sinh cách đó chỉ khoảng 200m. Được biết, nhóm du khách Việt Nam có khoảng 30 người, và nhiều nam giới trong nhóm đã thực hiện hành vi vô ý thức này.

Trước đó, truyền thông Đài Loan cũng đưa tin có hơn 150 người Việt "biến mất" khi du lịch Đài Loan với mục đích cư trú trái pháp luật. Sau đó họ đã bị trục xuất về Việt Nam và cấm nhập cảnh vào Đài Loan trong một thời gian nhất định.

Cảnh sát Nhật Bản đã bắt giữ 3 công dân Việt Nam sau khi phát hiện 1.700 vật phẩm bị đánh cắp trong đó hơn 300 vật phẩm là thuốc và mỹ phẩm. Câu chuyện người Việt ăn cắp ở Nhật phổ biến đến mức, nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại đã phải dùng biển cảnh báo bằng tiếng Việt để nhắc nhở những người Việt có ý định trộm cắp tài sản.

Nhiều nhà hàng buffet ở Thái Lan, Singapore… đều đề biển ghi chữ tiếng Việt: “Xin mời ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Nếu ăn không hết sẽ phạt từ 200 baht đến 500 baht. Xin cảm ơn!”, hay “Lấy vừa đủ ăn”. Chuyện ăn uống này đã thành câu chuyện buồn của khách du lịch Việt. Và gần đây nhất, sự việc cảnh sát Tây Ban Nha cáo buộc 2 công dân Việt Nam "tấn công tình dục" thiếu nữ 17 tuổi gây xôn xao dư luận.

Rõ ràng chúng ta đang có một khoảng trống về văn hóa ứng xử của không ít người Việt ở nước ngoài, đó không chỉ là những khách du lịch mà ngay cả những người đã sinh sống nhiều năm ở nước ngoài vẫn hành xử thiếu văn minh nơi công cộng. “Một phần vì ý thức của họ, phần vì họ đã luôn như thế ở chính nước mình và không coi đó là một điều không nên làm, phần nữa vì sự thiếu hiểu biết đối với văn hóa, phong tục của nơi mà họ vừa đến” - TS Nguyễn Viết Chức, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội nhận định.

Vẫn biết rằng, những hành vi thiếu ý thức này chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng rõ ràng nó không những khiến cộng đồng quốc tế có những đánh giá tiêu cực, ác cảm về người Việt mà còn là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người Việt bị kỳ thị, xa lánh mỗi khi đi du lịch, du học hay sinh sống ở nước ngoài. Đây chính là hồi chuông cảnh báo về văn hóa ứng xử của một bộ phận công dân Việt.

Thực tế, đã có rất nhiều văn bản quy định pháp lý, đã đề ra nhiều quy tắc ứng xử nhưng những sự việc đáng tiếc vẫn xảy ra ngay ở trong nước, không riêng gì ở nước ngoài. Bởi lẽ, công tác vận động tuyên truyền của chúng ta chưa đạt hiệu quả cao. Cùng với đó, do sự quản lý, pháp luật ở trong nước lỏng lẻo, xử phạt như không, không có tính răn đe và ngăn ngừa những hành vi vi phạm. Khi xử lý theo kiểu xuề xòa cho qua, hoặc theo kiểu nội bộ chính là nguyên nhân khiến những hành vi xấu này sinh sôi.

Để hạn chế, ngăn chặn và tiến tới loại bỏ những hành vi vô ý thức này ra khỏi cộng đồng, để khi ra nước ngoài sẽ không còn ảnh hưởng tới hình ảnh của quốc gia, thì ý thức thôi chưa đủ mà đòi hỏi mỗi người phải am hiểu văn hóa và tuân thủ luật pháp của nước sở tại. Bởi thực tế có những hành vi ở trong nước được xem là bình thường nhưng ở nước ngoài có thể bị quy thành tội.

Bên cạnh đó, các công ty du lịch, công ty xuất khẩu lao động cần phải chú trọng hơn trong việc trang bị cho du khách, người lao động những kiến thức, những hiểu biết về khác biệt văn hóa, pháp luật để tránh những câu chuyện không hay có thể xảy ra.

TS Nguyễn Viết Chức, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cần có chế tài nghiêm khắc, mọi vi phạm ở nước ngoài khi trở về nước phải xử phạt gấp đôi hoặc có thể cấm xuất cảnh có thời hạn… Chỉ khi có những quy định thật nghiêm mới cải thiện hình ảnh của người Việt khi đi ra nước ngoài.

“Người Việt xấu xí khi ở nước ngoài" không phải mang tính phổ biến, nhưng những hình ảnh đó đang làm méo mó hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Tạo dựng một hình ảnh đẹp đã khó, xóa bỏ những ấn tượng xấu lại càng đòi hỏi nỗ lực lớn hơn rất nhiều. Do đó, mỗi người Việt cũng phải nâng cao ý thức bản thân, tự tăng thêm vốn văn hóa của mình để góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam. Bởi lẽ, cá nhân mỗi người Việt sẽ trở thành một đại sứ văn hóa khi ở nước ngoài.

Mời nghe âm thanh tại đây: