Tính đến nay, Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới sắp tròn 15 năm đi vào cuộc sống. Việc Bộ Chính trị dành riêng một Nghị quyết rất quan trọng lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng cho sự phát triển văn học, nghệ thuật trước yêu cầu mới thể hiện mạnh mẽ sự đổi mới tư duy, nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với “lĩnh vực rất quan trọng và đặc biệt tinh tế" của nền văn hóa nước nhà.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết: Nghị quyết 23 đã cho thấy sự đổi mới tư duy, nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng trong suốt 15 năm qua, khi Đảng khẳng định: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”.

"Đảng ta xác định nhiệm vụ của văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế là phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ. Phấn đấu nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người; vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa - tinh thần ngày càng cao của nhân dân”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.

Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) nhấn mạnh: “Tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc. Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính dân tộc, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ, người chiến sĩ xây dựng và phát triển nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...”.

Nghị quyết cũng đề ra chủ trương và các giải pháp để “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Thực tiễn phát triển của văn học, nghệ thuật nước ta 15 năm qua tiếp tục “nắm bắt được dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân”. Và cũng trong suốt 15 năm qua, việc đưa Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) vào đời sống luôn chịu sự ảnh hưởng, chi phối của nhiều yếu tố, như: công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; sự tác động của quá trình toàn cầu hóa; cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4; tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19...

Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thì cho rằng, văn học, nghệ thuật góp phần thực hiện những mục tiêu chính trị, tạo đường hướng phát triển cho đất nước. Ngay từ năm 1943, trong Đề cương Văn hoá Việt Nam, Đảng ta đã đề ra 3 nguyên tắc phát triển văn hoá để giành độc lập cho dân tộc đó là dân tộc hoá, khoa học hoá và đại chúng hoá. Văn học, nghệ thuật của chúng ta từ trước tới nay đã được phát triển trên 3 nguyên tắc này.

Văn học, nghệ thuật đóng góp vào việc xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Một trong những chức năng quan trọng của văn học, nghệ thuật là hướng con người đến những giá trị chân – thiện – mỹ, chứ không đơn thuần là một lĩnh vực giải trí.

Những lợi ích kinh tế mà văn học, nghệ thuật đem lại cho mỗi quốc gia ngày càng trở nên quan trọng. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 khẳng định tầm quan trọng của văn hoá đối với sự phát triển đất nước. Theo đó, các ngành công nghiệp văn hoá (gồm các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, nghệ thuật) là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân.

Một ví dụ: Tổng doanh thu màn ảnh Việt năm 2019 là trên 4.100 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2018. Các phim điện ảnh Việt Nam chiếm 29% doanh thu, với ước tính khoảng 1.150 tỷ đồng (tăng trưởng hơn 40% so với cột mốc 800 tỷ đồng của năm 2018). Điều này cho thấy tiềm năng kinh tế của các sản phẩm và dịch vụ văn hoá.

Tuy vậy, thực tế cho thấy rằng, dù có những nỗ lực và thành công nhất định (năm 2019 đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa chiếm 3,61% GDP so với mục tiêu 3% đến năm 2020) nhưng vẫn chưa đáp ứng được với kỳ vọng của những người yêu mến văn học, nghệ thuật, cũng như khát khao khai thác giá trị văn hoá cho sự phát triển bền vững. Những tác phẩm văn học, nghệ thuật của Việt Nam có thể chinh phục khán giả thế giới còn chưa nhiều. Tên tuổi, thương hiệu của các văn nghệ sĩ, nhà sáng tạo Việt Nam chưa thực sự được định hình rõ ràng trong khu vực và trên thế giới. Nhiều sản phẩm nghệ thuật xuất hiện nhưng chưa tạo thành trào lưu, sớm nở tối tàn, các sự kiện không được tổ chức thường xuyên, không gian sáng tạo xuất hiện nhiều nhưng cũng biến mất nhanh...

Nguyên nhân là do Việt Nam có khá nhiều điểm nghẽn trong khai thác công nghiệp văn hoá để phát triển văn học, nghệ thuật. Đầu tiên chính là nhận thức của chúng ta về các ngành công nghiệp văn hoá chưa đầy đủ. Thứ hai là thiếu sự phối hợp trong phát triển công nghiệp văn hoá. Đến thời điểm này, sự phát triển các ngành công nghiệp văn hoá còn gặp khó khăn vì chưa thực sự có đầu mối đủ mạnh để định hướng sự phát triển này. Trong 12 ngành, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ quản lý 5 ngành gồm điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo; du lịch văn hoá. Điện ảnh thì có thể tạo ra sự hấp dẫn cho du lịch văn hoá, tạo điều kiện phát triển thời trang, ẩm thực. Du lịch văn hoá lại giúp phát triển các lĩnh vực khác trong xã hội. Vì thế, việc thiếu đầu mối đủ tầm và phối hợp giữa các ngành với nhau khiến việc phát triển công nghiệp văn hoá gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, để phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần xây dựng đất nước thì cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của văn học, nghệ thuật trong xây dựng đất nước, con người, trên cơ sở phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ảnh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước.

Tăng cường giáo dục nghệ thuật là một giải pháp trong việc xây dựng con người mới với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Xây dựng mới các chế độ, chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật, như chế độ lương, nhuận bút, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp, chế độ hưu đối với trí thức, văn nghệ sĩ. Có cơ chế khuyến khích văn nghệ sĩ, nghệ nhân phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật với ý thức đầy đủ về trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình.

"Chúng ta cần phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Coi trọng đề tài truyền thống đồng thời bám sát thực tiễn cuộc sống của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt đề tài chống tham nhũng, chống xuống cấp đạo đức. Thực hiện chính sách đặt hàng các tác phẩm văn học, nghệ thuật", ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Việc phát triển theo hướng tiếp cận của công nghiệp văn hóa sẽ giúp văn học, nghệ thuật có sức sống mới, gần gũi hơn với nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân, từ đó giúp người dân có thêm niềm tin, tạo ra bầu không khí tích cực cho sự phát triển đất nước, góp phần khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc từ chính sức mạnh của văn hoá, nghệ thuật.