Năm ngoái, chị bạn đồng nghiệp tôi có con thi vào lớp 10. Cũng giống như bao người mẹ khác, chị mất ăn, mất ngủ trước kỳ thi quan trọng của con mình. Thương con vất vả, chị cũng là phụ huynh tiên phong kêu gọi ngành giáo dục Hà Nội bỏ môn thi thứ tư để tránh gây áp lực cho con trẻ, nhất là trong bối cảnh việc học bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Mặc dù có những đề xuất và cả “tâm thư” của hàng ngàn phụ huynh, năm 2021, Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn quyết giữ nguyên phương án thi như đã công bố. Vậy là chị bạn đồng nghiệp tôi quyết định sẽ cùng con vượt vũ môn với một kỳ thi 4 môn. Thật bất ngờ, môn thi thứ tư (môn Lịch sử) lại là môn thi mà con chị đạt điểm cao nhất, góp phần quan trọng để trúng tuyển vào một trường trung học phổ thông top đầu.

Khép lại mùa thi, chị ấy nói vui, ôn thi môn thứ tư hai mẹ con lại có điều kiện hệ thống lại kiến thức Lịch sử mà suốt quá trình học đã rơi vãi ít nhiều.

Cũng giống như năm ngoái, trước mùa thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội năm nay, trên khắp các diễn đàn xã hội, phụ huynh lại khẩn thiết bày tỏ mong muốn Sở GD&ĐT Hà Nội bỏ môn thi thứ 4 với vô vàn lý do: Học sinh phải chịu quá nhiều mệt mỏi khi học trực tuyến còn nhiều hơn học trực tiếp; 3 môn thi là đủ để đánh giá học sinh cần gì những 4 môn?; Các địa phương khác chỉ thi 3 môn sao Hà Nội cứ nhất quyết phải thi 4 môn?...

“Áp lực, áp lực và áp lực” là cụm từ được phụ huynh gán ghép, đặt cho môn thi thứ tư. Nhưng môn thi thứ tư có phải là nguyên nhân gây áp lực, căng thẳng, mệt mỏi cho học sinh?

Thừa nhận rằng năm học qua, học sinh phải quay cuồng với lịch học “on-off” khi dịch Covid-19 diễn ra phức tạp. Và cũng đúng là việc tích lũy kiến thức của học sinh gặp nhiều khó khăn khi chất lượng dạy học trực tuyến tồn tại nhiều vấn đề. Nhưng suy cho cùng, khó thì khó chung, dễ thì dễ chung. Tại sao, học sinh, phụ huynh cứ phải mãi bận lòng, băn khoăn vì môn thi thứ tư?

Áp lực, căng thẳng trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Hà Nội đâu phải ở số lượng môn thi 3 hay 4 môn mà chính là sự học lệch, là tâm lý học để thi, có thi thì mới học; Là áp lực đến từ sự kỳ vọng của phụ huynh, muốn con học giỏi, thi đỗ vào trường nổi tiếng, top đầu mà không cần biết sức của con đến đâu.

Nhìn lại những mùa thi từ 2018 về trước, khi Hà Nội là địa phương hiếm hoi tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chỉ với 2 môn thi (Toán và Ngữ văn) thì sự cạnh tranh, căng thẳng, áp lực đã tồn tại. Suất học trường công, trường nổi tiếng, trường top đầu đã tạo ra áp lực vô hình lên các em học sinh.

Nên chăng, thay vì đề xuất, khẩn khoản bày tỏ mong muốn bỏ môn thi thứ tư, phụ huynh sao không tự cởi bỏ áp lực thi cử đặt lên vai con em mình?

Và thay vì mãi bận lòng với môn thi thứ tư, phụ huynh hãy cùng chia sẻ, đánh giá đúng năng lực của con, từ đó, đặt ra mục tiêu vừa sức chứ không phải gồng mình lựa chọn nguyện vọng quá cao đánh đố với chính bản thân mình.

Môn thi thứ tư suy cho cùng cũng chỉ là một môn học như bao môn học khác. Học như thế nào sẽ thi như thế. Áp lực hay không là do chính cách tiếp cận, cách học của học sinh và sự kỳ vọng của phụ huynh.