Thêm một vụ tự tử của em học sinh trường THPT chuyên Đại học Vinh khiến cả xã hội bàng hoàng. Y. N. không phải là trường hợp học sinh đầu tiên quyết định lựa chọn cái chết, nhiều vụ việc tương tự đã từng diễn ra những năm qua với rất nhiều nguyên nhân: Do áp lực học hành, do mâu thuẫn với bạn bè, gia đình … Có những nguyên nhân không đáng để đứa trẻ lựa chọn cái chết . Và ai là người có lỗi trước những kết cục đau thương này?

Như một hiện tượng tự nhiên, trong mỗi lớp học đều có những nhóm bạn có vẻ hợp nhau về thói quen, niềm đam mê, phong cách sống … Ở lứa tuổi dở dang 15-18, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ của cha mẹ, của thầy cô và của chính những người bạn trong nhóm, em nào có tính cách “nổi loạn" sẽ nghĩ ra nhiều chiêu trò nghịch ngợm nhiều khi vô tình mà làm tổn thương, xúc phạm người khác mà không ngờ đến hậu quả đau thương.

Việc bị bạn bè cô lập có thể do nhiều lý do, đôi khi chỉ là bạn có dáng vẻ bề ngoài xinh đẹp được nhiều bạn khác giới để ý khiến cho lòng đố kỵ nhen nhóm, hoặc có thể bạn học giỏi được thầy cô khen ngợi, cưng chiều, bạn con nhà khá giả nên có nhiều quần áo đồ dùng giá trị … hoặc cũng có thể do tính tình bạn kênh kiệu coi thường bạn bè … Những yếu tố ấy khiến cho động cơ trả thù, dằn mặt bạn phát sinh rồi cô lập, chia rẽ, nói xấu và hành hung bạn. Sự việc sẽ dừng lại khi đứa trẻ bị hại nói ra sự thật, rộng lòng dũng cảm chia sẻ với cha mẹ, người thân, tâm sự với thầy cô giáo. Nhưng trên thực tế, nhiều trường hợp, trẻ bị bạo lực không dám tiết lộ sự thật vì xấu hổ, vì sợ các bạn chê cười và tiếp tục trả thù … May mắn những bí mật này mà người lớn biết can thiệp kịp thời thì ngăn chặn được hậu quả, giải pháp có thể là gặp gỡ nhóm bạn tìm hiểu đầu đuôi sự việc, tháo gỡ mâu thuẫn còn nghiêm trọng hơn có thể chuyển trường cho con để tránh xa những nguy cơ xấu.

Nếu như trước đây, những vụ bạo lực học đường thường diễn ra ở những cơ sở giáo dục không phải trường chuyên, lớp chọn có đối tượng học sinh học lực kém, gia đình lao động có nhiều vấn đề thì bây giờ việc ở một trường THPT chuyên danh tiếng như Đại học Vinh - nơi có truyền thống học tập và rèn luyện đạo đức lại có chuyện bạo lực học đường, sự thiếu quan tâm của ban giám hiệu đến mức một nữ sinh phải tìm đến cái chết để chạy trốn là điều khó chấp nhận. Nhất là khi em đã kể việc mình bị các bạn cô lập, hành hung cho mẹ và cô giáo biết, thậm chí đã bảy tỏ nguyện vọng muốn chuyển trường nhưng không được chấp nhận. Sự thiếu quan tâm của ban giám hiệu nhà trường đã khiến sức chịu đựng của cô học trò nhỏ quá tải và em đã chọn giải pháp hết sức tiêu cực: kết liễu cuộc sống.

Sự việc đau lòng này rồi sẽ qua đi nhưng nỗi đau của gia đình mất đi đứa con thân yêu còn mãi. Thêm một tiếng chuông cảnh báo cho các nhà trường, các thầy cô và các bậc phụ huynh về tầm quan trọng nếu không nói là nghiêm trọng của vấn đề sức khỏe học đường và vấn nạn bạo lực học đường. Việc mỗi trường cần có cán bộ tâm lý, phòng tư vấn tâm lý hoạt động hiệu quả không mang tính hình thức sẽ là nhịp cầu hóa giải những mâu thuẫn tuổi mới lớn, xoa dịu những tổn thương, giải tỏa những bức xúc của các em, ngăn chặn các em đến với những lựa chọn tiêu cực. Cha mẹ, thầy cô hãy yêu thương và quan tâm hơn nữa đến những đứa trẻ, để tâm đến những niềm vui nỗi buồn của các em. Nhà trường không chỉ là nơi dạy các con kiến thức mà còn phải là nơi dạy các con tình yêu thương, sự sẻ chia và ngăn ngừa các em vô tình gây tội ác.