Sau khi ông Nguyễn Quốc Anh - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bị bắt cùng nguyên Phó Giám đốc Nguyễn Ngọc Hiền, mới đây, đương kim Giám đốc bệnh viện này, GS.Nguyễn Quang Tuấn cũng bị khởi tố và liền sau đó là Giám đốc BV Thủ Đức (TP.HCM) cũng bị bắt. Không như ở các lĩnh vực khác, khi lãnh đạo các bệnh viện bị bắt, dư luận không chỉ đồng tình với việc xử lý của pháp luật mà còn có cả sự tiếc nuối khi hầu hết họ đều là những người có tiếng tăm, đã từng cứu sống nhiều người bệnh.

Thực tế là lâu nay, lãnh đạo các bệnh viện đều là những người vì giỏi chuyên môn mà được đề bạt. Nhưng rất ít người vừa giỏi chuyên môn, vừa giỏi quản lý, nhất là hiểu sâu về kinh tế. Trong khi quản lý kinh tế lại là một vấn đề rất phức tạp. Thiếu hiểu biết về quản lý kinh tế, pháp luật cộng với tư lợi đã làm nảy sinh sai phạm.

Là vấn đề mang tính xã hội nên việc hàng loạt cán bộ y tế vướng vòng lao lý không chỉ gây ồn ào dư luận mà còn làm “nóng” nghị trường Quốc hội vào sáng 10/11, trở thành nỗi trăn trở của các đại biểu và nhất là của người đứng đầu ngành Y tế.

Không thể phủ nhận rằng: “Mặc dù các quy định đã rất cụ thể nhưng vẫn có những vi phạm xảy ra trong đấu thầu, tham ô, tham nhũng” như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã phát biểu, do đó, trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất vẫn thuộc về người để xảy ra sai phạm. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đặt vấn đề: Bác sỹ làm chuyên môn giỏi chưa chắc làm quản lý tốt. Nhưng ngoài lỗi chủ quan của các cá nhân đã được chỉ ra, thì một phần cũng là do cơ chế.

“Có quy định phân công cho cấp phó chuyên phụ trách các vấn đề về kinh tế. Tuy nhiên, dù cấp phó được phân công thì người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm. Theo quy định, hàng năm, cơ quan chủ quản, kiểm toán, thanh tra đều phải duyệt quyết toán đối với nguồn vốn sử dụng ngân sách của nhà nước. Còn vốn của bệnh viện, đơn vị tự quyết định thì phải kiểm tra tài chính. Những cơ quan có chức năng, có chuyên môn quản lý kinh tế mà không phát hiện ra sai phạm thì làm sao các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chỉ biết đọc bệnh án lại phát hiện vi phạm được?” - Ý kiến băn khoăn của đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường không phải là không có lý.

Nhiều người trong ngành y cũng cho rằng, đã đến lúc cần tách bạch giữa quản lý, quản trị với chuyên môn, để “bảo vệ thầy thuốc”. Khi ngành Y tế càng tiến sâu vào xã hội hoá thì điều đó càng trở lên cần thiết để tránh những sai phạm có thể xảy ra. Vấn đề này, từ vài năm trước đã được xới xáo từ ý kiến trao đổi của vị tư lệnh ngành: Cần phải thay đổi tư duy về cán bộ lãnh đạo trong các bệnh viện công. Không nhất thiết người đứng đầu phải là bác sĩ, mà có thể là những người ngoài ngành y, nhưng có kiến thức, kinh nghiệm về quản trị.

Hay như Giám đốc một bệnh viện tuyến trung ương đề xuất, cần có cơ chế quản lý phù hợp trong các bệnh viện công. Đó là có Giám đốc chuyên môn, Giám đốc hậu cần, Giám đốc nghiên cứu và phát triển, mỗi người độc lập chịu trách nhiệm ở từng lĩnh vực mà mình phụ trách. Còn với cách quản lý bệnh viện như hiện nay, cho dù phân quyền cho phó giám đốc phụ trách kinh tế thì khi có vấn đề xảy ra, Giám đốc bệnh viện không thoát khỏi trách nhiệm.

Khi nhiều thầy thuốc vướng vào vòng lao lý, đó không đơn thuần chỉ là chuyện xử lý, kỷ luật mà còn đặt ra vấn đề về cơ chế sử dụng cán bộ lãnh đạo ở các bệnh viện công sao cho phù hợp. Không nên để “các vị giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chỉ biết đọc bệnh án” lại quản lý kinh tế, thậm chí, quản lý những dự án hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Chưa nói đến lòng tham, sự tư lợi, cố tình lách luật, thì với người làm chuyên môn sâu, họ cũng khó có thể đảm đương tốt công việc mà mình không được học, không có kiến thức, hiểu biết đầy đủ. Vì thế, những vi phạm xảy ra, không chỉ khiến người trong cuộc, trong ngành đau lòng mà dư luận xã hội phần nào cũng thấy ngậm ngùi.