Trước hết phải khẳng định một điều: Hình thức luân chuyển cán bộ, giáo viên không phải là cái gì quá mới trong ngành giáo dục mà nó đã được thực hiện 50 năm nay.

Những năm tháng chiến tranh hàng trăm nhà giáo trong đó có những giáo sư có tên tuổi được ghi danh trong sử, sách, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sẵn sàng rời bỏ cuộc sống thị thành để lên chiến khu làm việc. Cuộc sống của họ gắn liền với những cam go của đất nước thời bom rơi, đạn nổ. Nhiều người đã hy sinh cả tính mạng của mình cho sự nghiệp giáo dục thời chiến tranh. Sau khi đất nước hòa bình, không ít người trong số họ đã ở lại chiến khu và trở thành nhân tố tích cực gây dựng phong trào giáo dục ở các địa phương này.

Vào những năm 1980, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều động hàng nghìn sinh viên mới tốt nghiệp lên vùng cao, vùng sâu công tác. Và nhiều người trong số đó cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cao cả của mình và góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy sự phát triển giáo dục ở nhiều vùng miền của Tổ quốc trong đó có cả những xã, huyện vùng sâu.

Từ năm 1990 trở lại đây, việc tuyển dụng và điều động giáo viên do các địa phương chủ động thực hiện. Sự chủ động này tạo điều kiện tốt cho địa phương trong việc đào tạo, phân bổ hợp lý nguồn nhân lực sở tại nhằm thúc đẩy sự phát triển giáo dục của địa phương.

Việc tuyển dụng, điều động, luân chuyển giáo viên thời điểm nào cũng phát sinh những bất cập. “Chôn vùi tuổi xuân" là cụm từ được nhiều người dùng khi nói đến những thầy cô giáo công tác lâu năm ở miền núi, vùng sâu, vùng xa mà chưa tìm được “đường về" đồng bằng. Nhiều cô giáo vì lo làm tròn nhiệm vụ bám bản, gieo chữ, vì sự nghiệp trồng người mà quên mất tuổi thanh xuân để rồi suốt đời phải sống cảnh đơn chiếc vì không có điều kiện để lập gia đình. Chưa kể điều kiện sống khắc nghiệt ở những vùng khó khăn đã khiến sức khỏe của nhiều thầy, cô giáo bị suy giảm. Điều kiện làm việc thiếu thốn, không có cơ hội học lên cao cũng làm cho những giáo viên vùng sâu phải chịu những thiệt thòi rất lớn . Mặt khác do ở xa nhà, xa quê không có điều kiện chăm sóc cha mẹ, người thân khiến những giáo viên luân chuyển luôn canh cánh trong lòng về việc mình chưa làm tròn đạo hiếu, để cho vợ chồng, con cái phải sống trong cảnh “vợ cách chồng, cha, mẹ cách con"…

Đối mặt với những khó khăn với những giáo viên vùng sâu thuộc diện luân chuyển chưa phải là điều quan trọng mà có lẽ điều quan trọng hơn cả là đường đi thì có mà lối về thì chưa!

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng cán bộ giáo viên bị “kẹt" ở miền núi. Cho dù Nhà nước, ngành giáo dục và chính quyền các địa phương đã quan tâm đến thực trạng này nhưng các giải pháp thực thi chưa mang lại hiệu quả đích thực. Hậu quả là vùng sâu vẫn thiếu giáo viên và đề án “luân chuyển giáo viên" vẫn còn nhiều bất cập.

Chúng ta đã chứng kiến cảnh nhiều giáo viên phải bỏ nghề vì quá trình luân chuyển không đúng như kế hoạch. Dù được hưởng chế độ vùng 3, nhưng số tiền phụ cấp ấy chưa đủ bù đắp cho tiền xăng, khấu hao xe cộ, sự hao mòn tuổi xuân và sự chờ đợi mệt mỏi với những lời hứa không biết bao giờ mới trở thành hiện thực. Nhất là khi cơ chế thị trường đã len lỏi cả vào ngành giáo dục, cái phí phải trả cho sự trở về không đơn giản chỉ là “theo quy định này”, theo “đề án kia"...

Cách đây không lâu, 4 cán bộ ngành giáo dục Phú Thọ đã bị kỷ luật vì luân chuyển gần 400 cán bộ công chức giáo viên sai quy định gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng đào tạo của tỉnh. Sau khi vụ việc này bị phanh phui, nhiều giáo viên đã bị điều chuyển về chỗ cũ. Nhưng có ai đã dám đặt câu hỏi rằng: trong sự luân chuyển “nhầm" ấy, họ đã mất những gì?

Quy định của Đề án “Luân chuyển giáo viên" thì rất rõ ràng, có thời hạn hẳn hoi: 3 năm đối với giáo viên nữ, 5 năm với giáo viên nam nếu đi luân chuyển sẽ được rút về vùng thuận lợi. Thế nhưng thử hỏi : Trong số hàng chục ngàn giáo viên đang luân chuyển tại các vùng sâu, vùng xa, có bao nhiêu người được trở về đùng thời hạn???

Người ở vùng thuận lợi không muốn đi thì người đi luân chuyển ở vùng khó khăn làm gì có chỗ để về! Vậy là nếu muốn về được thì lại phải tính đường mà chạy vạy, mà giáo viên ở vùng sâu ngoài số tiền lương, tiền trợ cấp chưa chắc đủ bù đắp cho phí đi lại thì lấy đâu ra tiền để mà “hòa vào cơ chế thị trường" như hiện nay.

Luân chuyển cán bộ là chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước, nhưng quá trình thực hiện nếu thiếu khách quan, minh bạch... thì một chính sách hay lại bị hạn chế, lại thành méo mó, giống như "có luân mà không có chuyển", đường đi thì có - lối về thì chưa!!!