"Chị cho tôi hỏi về Luật Đất đai được không? - Có lẽ đây là câu mà chúng tôi được nghe hàng ngày nhiều nhất khi nhấc điện thoại tiếp nhận và trả lời thính giả. Hỏi về Luật Đất đai cũng như những khiếu nại, khiếu kiện liên quan tới đất đai chiếm số lượng lớn trong số đơn thư gửi về Đài TNVN.
Thống kê trên địa bàn cả nước, khiếu nại, tố cáo về đất đai thường chiếm gần 70% số đơn khiếu nại, tố cáo các cơ quan hành chính nhận được. Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đơn khiếu nại, tố cáo về đất đai chiếm đến 98% số lượng đơn thư nhận được hằng năm. Các vụ án hành chính liên quan đến đất đai có xu hướng tăng liên tục từ mức chiếm 64,2% tổng số các vụ án về hành chính năm 2015 lên trên 80% năm 2020. Cũng trong khoảng thời gian này, số lượng thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến đất đai chiếm 75% tổng số các vụ án TAND tối cao thụ lý, giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (trong đó, số vụ đã giải quyết chiếm 83,49%). Những con số này đủ cho thấy độ nóng của đất đai trong cuộc sống hàng ngày của người dân.
Không đồ sộ về số điều luật như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động nhưng Luật Đất đai là một trong những luật có nhiều nghị định hướng dẫn thi hành nhất, với số điều quy định trong luật ngày càng tăng.
Lần đầu tiên ban hành năm 1987, Luật Đất đai có 57 điều, sau 3 lần ban hành mới, Luật Đất đai đang có hiệu thực thi hành từ ngày 01/07/2013 với số điều gấp gần 4 lần là 212 điều. Số điều quy định tăng lên, số Nghị định, Thông tư hướng dẫn được ban hành không phải là ít và liên tục được sửa đổi bổ sung đã khiến cho người dân như sa vào ma trận của quy định về đất đai.
Thực tế đã cho thấy, nhiều quy định được mở trong luật nhưng lại bị bó cứng, bị thu hẹp ở Nghị định, Thông tư đã làm cho Luật Đất đai càng thực hiện càng vướng, càng khó, người dân càng ngày càng bức xúc. Đơn cử như quy định về việc cấp Giấy chứng nhận cho đất được cấp sai thẩm quyền. Nghị định hướng dẫn thì quy định: đất được giao không đúng thẩm quyền đã được sử dụng ổn định trước ngày 15/10/1993, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì người đang sử dụng đất được cấp sổ đỏ. Thế nhưng xuống tới Thông tư, quy định này đã được cụ thể hóa thành: Chỉ cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp đã sử dụng đất ổn định, không tranh chấp, phù hợp với quy hoạch, phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; trường hợp giao đất làm nhà ở thì chỉ cấp Giấy chứng nhận đối với hộ gia đình, cá nhân đã làm nhà ở và không có chỗ ở nào khác.
Thế nên mới có chuyện Luật thì bảo được cấp mà không ít trường hợp sử dụng đất từ những năm 80 của thế kỷ trước, đến nay, đã qua 2-3 thế hệ sinh sống trên thửa đất đó mà vẫn chưa được cấp sổ đỏ.
Không phủ nhận nguyên nhân dẫn tới khiếu nại, khiếu kiện về đất đai là do quan hệ quản lý, sử dụng đất đai có tính lịch sử, phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, thành phần, trải qua nhiều thời kỳ nhưng không được giải quyết dứt điểm nên khó khăn trong xử lý theo pháp luật tại thời điểm hiện tại. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, bên cạnh đó, một số quy định của Luật Đất đai còn bất cập, hạn chế; chưa đồng bộ, thống nhất với một số luật hiện hành như: Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp, Luật Quản lý tài sản công, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương…
Nói vậy để thấy, nếu quy định pháp luật không đồng bộ, không đặt lợi ích người dân ở trung tâm của các quan hệ quản lý và hài hòa lợi ích của cả ba bên Nhà nước - doanh nghiệp - người dân thì có lẽ Luật Đất đai có tiếp tục được sửa đổi bổ sung thì vẫn vướng, vẫn cản trở các quan hệ kinh tế xã hội khác phát triển.
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường về các nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị dự án Luật Đất đai sửa đổi gần đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: sửa Luật Đất đai phải đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất và yêu cầu quá trình soạn thảo Luật Đất đai sửa đổi vừa phải khắc phục tình trạng luật ống, luật khung, vừa khắc phục tình trạng chưa đủ rõ đã chốt cứng trong luật, dẫn tới tuổi thọ luật ngắn...
Hy vọng với lần sửa đổi, bổ sung lần này để đưa ra trình Quốc hội vào các kỳ họp năm 2022, Luật Đất đai với 11 nhóm vấn đề chính sách được giải quyết sẽ giúp chúng tôi ít phải nghe hơn những cuộc điện thoại, đọc những lá thư dày hàng chục trang của người dân chất chứa những bức xúc về đất đai.