Có lẽ với rất, rất nhiều người, cầu Long Biên là một cái gì đó thật khác biệt, giản dị, thân thuộc mà vô cùng quý giá. Hơn cả một cây cầu, một phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, cầu Long Biên còn là di sản mang ý nghĩa lịch sử văn hóa, gắn liền với sự phát triển của Hà Nội từ cả hơn trăm năm nay.

Công trình nổi tiếng thế giới bởi lối thiết kế hiện đại, cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng. Niềm tự hào ấy, đến hôm nay, đang trở thành nỗi lo lắng, bất an, là mối quan tâm lớn của toàn xã hội bởi sự xuống cấp trầm trọng, dẫn đến những nguy cơ mất an toàn giao thông.

Sau nhiều sự cố xảy ra, đặc biệt, gần đây nhất là liên tiếp 2 vụ sập tấm đan trên cầu thêm một lần nữa cho thấy sự già nua, cũ kỹ, xuống cấp nghiêm trọng của cây cầu trăm năm tuổi này. Và cũng thêm một lần nữa, câu chuyện bảo tồn, cải tạo, nâng cấp cầu Long Biên lại được đưa ra như một vấn đề cấp thiết không thể trì hoãn, dù đó đã chẳng còn là câu chuyện mới, nếu không muốn nói là “biết rồi, khổ lắm…”.

Cầu Long Biên cần được “giải cứu”, nhưng bằng cách nào đây?

Thực tế là dù đã qua rất nhiều lần bàn thảo nhưng các chuyên gia vẫn chưa thể “chốt” được phương án tối ưu. Xây hẳn một cây cầu mới thay thế và giữ nguyên cầu Long Biên hiện hữu, coi đó như một chứng nhân lịch sử, một di sản văn hóa cần bảo tồn? Chuyện đó không khó nhưng chưa hẳn đã là hay. Bởi đã là cầu thì phải có hoạt động đi lại, thông thương, nếu không sẽ chỉ là cái xác công trình, là phế tích.

Phần lớn các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đều mong muốn bảo tồn, trùng tu, phục hồi nguyên trạng. Có nghĩa là trước người Pháp làm cầu Long Biên thế nào thì giờ cứ phục hồi lại giống như thế, bởi đó là di sản, là những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc đặc biệt, không thể đo đếm. Mong muốn quá chính đáng nhưng xem ra khó khả thi, bởi để làm được như vậy sẽ cực kỳ tốn kém. Chưa kể, theo đánh giá của các chuyên gia, thực trạng cây cầu có những hạng mục rất khó phục hồi nguyên trạng, gây nhiều khó khăn cho công tác thi công.

Có lẽ đó cũng chính là lý do mà nhiều chuyên gia ủng hộ phương án làm cây cầu mới tại vị trí cũ, kiến trúc theo dáng của cây cầu Long Biên, nhưng được cải tạo, nâng cấp, hiện đại hơn. Bảo tồn theo hướng này hẳn nhiên kinh phí sẽ ít tốn kém hơn, mà an toàn giao thông đi lại của người dân lại được đảm bảo. Tất nhiên điều đó cũng đồng nghĩa với việc tính nguyên trạng của cây cầu di sản sẽ bị mất đi, và nhiều người không chấp nhận điều đó, để rồi sự tiếc nuối cứ khiến cho câu chuyện về cầu Long Biên mãi dùng dằng, bế tắc.

Thực tế phá đi thì dễ, dựng lại rất khó, nhất là với một di sản. Vậy nên, cần có cái nhìn tổng thể, một sự nghiên cứu kỹ lưỡng từ các nhà chuyên môn, những người có trách nhiệm, sao cho vừa bảo tồn được giá trị văn hóa phi vật thể cầu Long Biên, vừa phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời phát triển được du lịch. Chứ cứ mãi kéo dài tình trạng duy tu nhỏ giọt, hỏng đâu sửa đó như hiện nay sẽ chỉ càng khiến cho chuyện đã tắc càng thêm tắc.

Cầu Long Biên - di sản hết sức quý giá, được xem như mạch máu Thủ đô, cần phải được nâng niu, gìn giữ. Nhưng, cầu Long Biên đang xuống cấp - đó là một thực tế không thể phủ nhận. Vậy sao vẫn còn lưỡng lự?