Sự việc mới nhất liên quan đến Manchester City, đội bóng giàu thành tích nhất trong thập kỷ qua tại giải Ngoại hạng Anh với 5 chức vô địch, sau khi được đầu tư lớn từ những ông chủ Ả-rập. Đội chủ sân Etihad bị cáo buộc tới hơn 100 vi phạm các quy tắc tài chính của Premier League trong khoảng thời gian 2009-2018. Họ bị nghi ngờ không minh bạch về thu nhập của cầu thủ và HLV. Nếu bị chứng minh có tội, "The Citizens" có thể bị phạt trừ điểm, tước chức vô địch hay thậm chí bị loại khỏi hạng đấu cao nhất của bóng đá Anh.
Nếu điều đó xảy ra, với nguy cơ xuống chơi ở giải đấu hạng 5 của Man City, chẳng khác gì sự sụp đổ của một công ty tỷ đô, bởi năm ngoái, họ đứng thứ 6 trong top 10 đội bóng giá trị nhất thế giới (khoảng 4,25 tỷ đôla, gồm giá trị truyền thông, thương mại và thương hiệu…). Xếp trên Man City trong danh sách này là những đội bóng lớn nhất của châu Âu, gồm Real Madrid, Barcelona, Manchester United, Liverpool, Bayern Munich, lần lượt được định giá từ 5,1 đến 4,27 tỷ đôla.
Chính Man City vì bị cáo buộc "vi phạm nghiêm trọng Luật Công bằng tài chính" đã từng phải nhận lệnh cấm dự Champions League của UEFA tại Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) năm 2020, nhưng sau đó thoát án cấm tham dự các cúp châu Âu, chỉ phải nộp phạt hơn 10 triệu đôla. Xin được nhắc lại, để ngăn chặn tình trạng các tài phiệt "bơm tiền" vào các đội bóng quá nhiều, Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) đã quyết định đưa ra "Luật Công bằng tài chính" từ năm 2010. Mới đây, Ủy ban điều hành UEFA thay thế "Luật Công bằng tài chính" bằng luật mới có tên "Tài chính bền vững" với thay đổi trong 1 số điều khoản.
Mới tháng trước, đội bóng nổi tiếng tại Italia là Juventus đã bị trừ 15 điểm vì những sai phạm liên quan tới khâu kế toán, lập báo cáo tài chính, thao túng thị trường. Một toà án Italia cáo buộc Juventus thổi phồng phí chuyển nhượng trong các thương vụ với các CLB khác trong giai đoạn 2019-2021 để trốn thuế, khai báo sai các khoản lỗ cũng như dùng các khoản lợi nhuận giả từ các vụ chuyển nhượng để sửa chữa bản đối chiếu và lách Luật công bằng tài chính (FFP).
Tại Việt Nam, vấn đề “minh bạch tài chính” cũng từng được nhắc đến nhiều kể từ khi có giải bóng đá chuyên nghiệp, như việc một ông chủ rót tiền vào nhiều đội bóng, tiền “lót tay” khi chuyển nhượng cầu thủ… nhưng dù vậy, chưa từng được giải quyết một cách triệt để và trở thành câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, được xới lên trong mỗi mùa giải, rồi lại chìm vào yên lặng. Cho đến khi bầu Đức của CLB HAGL khởi kiện công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam như V.League và hạng Nhất quốc gia.
Vụ việc nóng lên ngay trước thềm V.League khi nhà tài trợ Carabao của CLB HAGL cũng liên quan tới nước tăng lực – mặt hàng kinh doanh của nhà tài trợ giải đấu V.League Sâm Ngọc Linh Kon Tum, với thương hiệu Night Wolf trong 3 mùa giải liên tiếp 2022 – 2024. Mấu chốt tranh chấp và nguồn cơn của cuộc xung đột nằm ở 2 chữ "độc quyền" dù không văn bản nào thể hiện điều này, thay vào đó là cụm từ "không cùng ngành hàng" nhằm tránh vi phạm Luật Cạnh tranh. Đây cũng là cách VPF và HAGL vận dụng giải quyết xung đột. Ít nhất thì HAGL không bỏ giải như tuyên bố trước đó của bầu Đức, khi tạm thời nhà tài trợ vẫn có logo trên áo đấu CLB.
Thực tế, từ khi V.League mang tên chuyên nghiệp, giải đấu có rất nhiều nhà tài trợ, hầu hết không thực hiện hợp đồng qua 3 mùa giải và các nhà tài trợ cũng rất đa dạng ngành hàng kinh doanh, tức là dễ “đụng hàng” với nhà tài trợ của từng đội bóng. Xung đột về quyền lợi giữa VPF và HAGL là chưa có tiền lệ, nhưng thực sự cần cho bóng đá Việt Nam, để đảm bảo tính minh bạch. Vụ việc được khởi kiện, cũng là một cách giải quyết chuyên nghiệp, thay vì những văn bản qua lại giữa CLB và BTC, vốn không đảm bảo về tính pháp lý. Trong trường hợp vụ việc được xét xử tại tòa án, phân định đúng – sai, giúp ích nhiều cho sự chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam sau này.
Bóng đá Việt Nam dù đi lên chuyên nghiệp đã hơn 20 năm, nhưng thực tế, bóng đá chưa nuôi được các CLB. Đội bóng đều sống nhờ tiền từ các ông bầu, tài trợ của doanh nghiệp nhưng không có nghĩa điều này sẽ kéo dài mãi mãi. Bóng đá sẽ chỉ thực sự lên “chuyên” nếu CLB hoạt động được nhờ tiền bán vé, bản quyền, quảng cáo và các hoạt động kinh doanh như bán áo đấu và đồ lưu niệm… Bóng đá Việt Nam nếu so với châu Âu là khoảng cách rất lớn về thời gian, nhưng đi sau thì cần chọn con đường đúng. Một trong những yếu tố đó là sự “minh bạch”, về tài chính, quyền lợi…
Việc CLB HAGL khởi kiện công ty VPF không làm xấu đi hình ảnh của bóng đá Việt Nam, bởi nó cho thấy cách hành xử “chuyên nghiệp” khi có xung đột quyền lợi, chuyên nghiệp hơn rất nhiều so với những tuyên bố kiểu “bỏ giải vì thiếu kinh phí”. Thậm chí xét ở góc độ tích cực, thương hiệu của các nhà tài trợ liên quan còn được biết đến nhiều hơn, khi liên tục được nhắc tới trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đúng – sai thì sẽ hạ hồi phân giải, mọi chuyện mới ở bước đi đầu tiên, nhưng sự minh bạch là cái đích hướng đến không chỉ của riêng CLB HAGL hay công ty VPF, mà là của cả giải đấu và rộng hơn là của thể thao Việt Nam./.