Ngày 1 tháng 3 năm 2023 Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, bệnh viện ngoại khoa lớn nhất khu vực miền Bắc chính thức áp dụng kế hoạch hạn chế mổ phiên (mổ theo lịch). Trước đó, bệnh viện cũng đã thông báo thiếu hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống...

Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K - những bệnh viện tuyến cuối, chủ yếu tiếp nhận và điều trị các ca bệnh nặng hiện cũng rất khó khăn để bảo đảm cung ứng được các điều kiện phục vụ người bệnh như máy móc, thuốc men, trang thiết bị.

Tại khu vực phía Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy - bệnh viện đa khoa đầu ngành hiện cũng chỉ còn 2 máy CT hoạt động, 1/3 máy siêu âm của bệnh viện đã ngưng hoạt động, 2/4 máy xạ trị gia tốc phải “đắp chiếu” từ quý II năm ngoái và thuốc men, hóa chất dịch truyền cũng trong tình cảnh vô cùng thiếu thốn.

Một bệnh viện tư nhân ở Thanh Hóa cũng thiếu thuốc trong danh mục Bảo hiểm y tế cho bệnh nhân từ tháng 12 năm ngoái đến nay.“Bệnh nhân vào đây có thẻ bảo hiểm, nhưng đến lúc ra viện, phần thanh toán bảo hiểm chỉ được mỗi tiền giường và 1-2 chai dịch, còn hầu như là thuốc dịch vụ. Bệnh nhân không hài lòng” - một bác sỹ đang công tác tại đây cho biết.

Như vậy, những khó khăn không chỉ “hiện hữu” ở hệ thống bệnh viện công, mà y tế tư nhân cũng chung tình cảnh này.

Chuyện thiếu thuốc và vật tư y tế đã ồn ào từ giữa tháng 6 năm 2022 nhưng đến nay, vẫn chưa được giải quyết. Thực tế này đã ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh hàng ngày tại các bệnh viện và khiến nhiều người bệnh lao đao…

Loại trừ các yếu tố do thị trường khan hiếm vì vấn đề dịch bệnh hay vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng. Vấn đề hiện đang nằm ở “cơ chế”.

Bệnh viện không thể mua hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị hỏng hóc không thể sửa, vật tư tiêu hao không thể mua chỉ vì không thể tìm đâu cho đủ 3 báo giá theo quy định để thực hiện đấu thầu mua sắm mới cũng như sửa chữa, bảo trì.

GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức từng băn khoăn: "Một máy xét nghiệm trị giá nhiều chục tỉ đồng sẽ đi kèm với những hóa chất của nó... Khi đấu thầu để mua hóa chất sử dụng cho máy thì rơi vào tình trạng chỉ có một hóa chất, tức là phải chỉ định thầu, và như thế theo quy định là vi phạm pháp luật".

Nói dễ hiểu thì như một chiếc xe hơi, chỉ có thể thay thế sửa chữa bằng phụ tùng chính hãng. Nhưng “cơ chế” buộc chúng ta phải có 3 báo giá. Mà nếu chỉ dùng 1 báo giá chính hãng thì sẽ phạm luật.

Để thực hiện đấu thầu mua sắm mới cũng như sửa chữa, bảo trì, Bệnh viện Chợ Rẫy đã có văn bản gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính từ trung tuần tháng 2 về các tình huống mà bệnh viện thu thập được, nhằm xin hướng dẫn liệu có đủ cơ sở xây dựng giá gói thầu hay không. Nhưng đến nay, vẫn chưa được các cơ quan trên trả lời.

Từ năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo "Không vì thủ tục hành chính, vì vướng mắc quy định, vì thiếu trách nhiệm mà để thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế kéo dài". Nhưng sau chỉ đạo đó, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn diễn ra và đến thời điểm này còn trầm trọng hơn.

Cần có thời gian để sửa đổi Luật và Nghị định là lý giải của Bộ trưởng Bộ Y tế cho sự chậm trễ của cơ quan quản lý trong việc giải quyết những bế tắc hiện nay: “Liên quan đến quy định mua sắm trang thiết bị vật tư y tế thì có rất nhiều văn bản pháp luật chi phối từ Luật đấu thầu, Luật giá, Luật tài sản công đến vấn đề liên quan đến Luật dược, các nghị định hướng dẫn ở dưới nữa, thành ra vướng mắc liên quan đến thể chế có vấn đề chúng ta sửa đổi được ngay và có vấn đề chúng ta nằm trong quy trình sửa đổi Luật và Nghị định thì thời gian nó kéo dài”.

Vậy, bao nhiêu lâu nữa bệnh viện mới có đủ thuốc để điều trị, mới có cơ chế phù hợp để những máy móc hiện đại đang "đắp chiếu" được đưa vào vận hành và bao nhiêu lâu nữa mới hết tình cảnh người bệnh chịu đau đớn chờ phẫu thuật, người bệnh dù có BHYT vẫn phải mua thuốc ở ngoài để điều trị?