Luật Nhà ở được ban hành từ năm 2014, sau gần một thập kỷ được áp dụng, công bằng mà nói Luật đã tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ nhằm bảo đảm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội… Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, nhu cầu về nhà ở ngày càng tăng cao, nhất là ở các đô thị lớn, một số quy định đã không còn phù hợp, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, sở hữu nhà ở.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương, 196 Điều. So với Luật Nhà ở năm 2014, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tăng hơn 13 Điều; trong đó bãi bỏ 7 Điều trong Luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung một số Điều; Luật hóa từ Nghị định một số Điều. Đây là luật ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp nên đã được cơ quan soạn thảo lấy ý kiến rộng rãi đến đông đảo các tổ chức, cá nhân. Đến thời điểm này, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được chỉnh sửa 5 lần, mỗi lần sửa đổi đều được cơ quan soạn thảo thu thập ý kiến công khai.

Tại kỳ họp lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 6 tháng 10/2023. Lộ trình xây dựng luật rất cụ thể, thế nhưng, đến thời điểm này một số vấn đề sửa đổi và bổ sung trong Dự thảo Luật Nhà ở vẫn còn nhiều bất cập “vênh” với những Dự thảo luật liên quan như Dự thảo Luật Đất đai cũng sẽ được Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp này.

Có thể khẳng định, việc tạo và quản lý quỹ đất có vai trò quan trọng trong chính sách phát triển nhà ở. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật Nhà ở và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang mâu thuẫn với nhau. Đơn cử, việc nộp tiền sử dụng đất hoặc nộp tiền thuê đất, trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian… được quy định tại khoản 4, Điều 38 dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi). Trong khi đó, Luật Đất đai hiện hành hay dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng được trình Quốc hội vào kỳ họp này lại không cho các trường hợp cho thuê đất được trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, mà buộc những đất phi nông nghiệp thuộc trường hợp trả tiền thuê đất hàng năm. Như vậy đã cho thấy sự không thống nhất, đồng bộ giữa hai Dự thảo luật. Đây sẽ là điểm "nghẽn", có thể khiến các dự án bị "tắc"….

Thêm vào đó, Dự thảo Luật Nhà ở và Dự thảo Luật Đất đai cũng đang có sự mâu thuẫn về quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở xã hội. Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) khoản b, Điều 81 quy định: Phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội; Trong khi đó tại điểm a, khoản 4, Điều 120 và điểm b khoản 2 Điều 108 dự thảo Luật Đất đai quy định không phải đấu giá, đấu thầu.

Một điểm nữa, Điều 82 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội “được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án và không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn theo quy định của pháp luật về đất đai”. Sự điều chỉnh mới này nhằm đảm bảo cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được hưởng quyền, nghĩa vụ của tổ chức được giao đất có thu tiền sử dụng đất (có nhiều quyền năng hơn so với được giao đất không thu tiền như dự thảo cũ), nhưng về bản chất vẫn được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Đồng thời dẫn đến các chi phí về đất không tính vào giá bán sản phẩm và người mua nhà ở xã hội trong dự án được gián tiếp thụ hưởng. Tuy nhiên, quy định này chưa đề cập đến trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Liệu có nhất thiết phải quy định rõ việc này trong Dự thảo Luật Đất đai để thống nhất với Dự thảo Luật Nhà ở. Điều này cử tri rất mong chờ ở sự sáng suốt của các đại biểu Quốc hội khi cho ý kiến vào các dự thảo luật, tránh tình trạng lợi ích ngành, lĩnh vực... góp phần dẫn đến “tuổi thọ” của các luật không cao như ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 5, ngày 23/5, ở nghị trường Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023

Người dân rất mong chờ, các Dự thảo luật nói chung, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) nói riêng, sau các kỳ họp Quốc hội cho ý kiến khi được ban hành không bị "tắc" và "nghẽn"; là hành lang pháp lý góp phần phát triển xã hội, người dân thêm cơ hội có nhà ở, doanh nghiệp có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả./.