Tại sao Bách khoa Hà Nội quyết định đổi tên? Trường Đại học có gì khác với Đại học?

“Việc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành Đại học Bách khoa Hà Nội KHÔNG PHẢI CHỈ THAY ĐỔI CÁI TÊN, cũng không phải để có một vị thế trong hệ thống.” Điều này đã được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định. Hơn ai hết, thứ trưởng Hoàng Minh Sơn là người rất hiểu Bách khoa Hà Nội. Ông từng là sinh viên, là giảng viên, cán bộ phòng đào tạo, phó hiệu trưởng, Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng Trường trước khi được đề bạt vị trí Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Và lẽ đương nhiên, việc tái cấu trúc hệ thống của Bách khoa Hà Nội đã “âm thầm" được bàn bạc, được chuẩn bị rất kỹ từ vài năm nay, chứ không phải ngẫu hứng một ngày đẹp trời mà trường quyết định đổi tên.

Những người quan tâm đến Giáo dục Đại học chắc hẳn còn nhớ, đã có rất nhiều bài viết về cách gọi tên trường Đại học bằng Tiếng Anh của chúng ta có rất nhiều bất cập nếu không nói là thiếu chính xác và điều này gây những phiền toái khi các trường Đại học của Việt Nam ký kết hợp tác giảng dạy, nghiên cứu với các trường ĐH ở nước ngoài. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân việc thay tên trường không phải dễ dàng vì nó liên quan đến rất nhiều vấn đề hành chính và luật pháp.

Trở lại với việc Bách Khoa Hà Nội đổi tên không thuần túy chỉ là câu chữ, là tên gọi mà thực chất đây là sự thay đổi mô hình tổ chức, xuất phát từ nhu cầu phát triển bên trong của trường. Và việc này hoàn toàn phù hợp với điều 34/2018 của Luật giáo dục Đại học.

Trong 2 năm 2020-2021 (thời điểm dịch bệnh Covid-19 lan rộng) nhưng tại Đại học Bách Khoa Hà Nội có sự chuyển đổi âm thầm và mạnh mẽ. Đó là việc sáp nhập một số Khoa và Viện nghiên cứu có những ngành đào tạo, những lĩnh vực nghiên cứu gần nhau, có liên quan tới nhau thành 3 trường: Trường Điện, điện tử, Trường Công nghệ thông tin và truyền thông và Trường Cơ khí. Việc tái cơ cấu để thành lập 3 trường thành viên này là tiền đề để Bách Khoa Hà Nội phát huy sức mạnh tổng thể trí tuệ của đội ngũ giảng viên, cơ sở sở vật chất, phòng thí nghiệm, đổi mới chương trình đào tạo, mở thêm ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và bên cạnh đó có bước chuyển mình rõ rệt về số lượng, chất lượng các bài báo nghiên cứu khoa học, nhiều đề tài khoa học đã được ứng dụng thực tế đem lại giá trị cao, được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận.

Là cơ sở giáo dục Đại học công lập tiên phong thực hiện mô hình tự chủ đại học. Bên cạnh những thuận lợi, Bách khoa Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn nhất là khi các ngành đào tạo của trường dù nhu cầu xã hội cần nhưng lại không hẳn hấp dẫn thí sinh vì đầu vào đã khó mà đầu ra cũng rất chặt. Trung thành với triết lý đào tạo của mình, Bách Khoa Hà Nội như “cỗ máy thép" lấy chất lượng đào tạo, lấy chất lượng nghiên cứu làm tấm "thẻ bài" để khẳng định niềm tin đối với người học, nhà tuyển dụng và xã hội.

Những ngày qua, dư luận xã hội cũng bày tỏ quan điểm: Tại sao Bách khoa không lên tiếng về việc đổi tên trường? Bản Thông cáo Báo chí mà Ban lãnh đạo nhà trường đăng tải trên trang Web của trường đã khá đầy đủ và chi tiết đủ để người nào quan tâm đến mô hình đào tạo, cơ cấu tổ chức và quan trọng hơn là định hướng phát triển của một Đại học Bách Khoa Hà Nội trong tấm áo mới với nội lực và quyết tâm mới.

Bách khoa Hà Nội đổi tên để làm gì?

Không chỉ gần 30 ngàn sinh viên, giảng viên, cán bộ Bách Khoa Hà Nội đang nỗ lực học tập, làm việc, nghiên cứu, hợp tác trong nước, quốc tế để trả lời cho xã hội về việc đổi tên mà các thế hệ “người Bách khoa" cũng đang chung tay với quyết tâm và khát vọng “bứt phá" này.

Trao quyền tự chủ là trao niềm tin

Chúng ta đã và đang khuyến khích các cơ sở Giáo dục Đại học thực hiện Tự chủ Đại học vậy hãy trao quyền tự chủ thực sự cho họ bởi hơn ai hết họ biết họ có điểm mạnh, điểm yếu gì? Họ mong muốn gì và làm được gì cũng như đủ can đảm đến đâu để chịu trách nhiệm trước xã hội.

Thái độ tiếp nhận cái mới khi chưa hiểu hết nội hàm của nó không chỉ làm ta bức bối mà còn làm ảnh hưởng đến nhiệt huyết, quyết tâm đổi mới của người khác. Với sự phát triển vượt trội của khoa học công nghệ toàn cầu hiện nay, giáo dục đại học cần có sự bứt phá về nhiều mặt mới không giậm chân tại chỗ nếu không nói là thụt lùi.

Cơ sở giáo dục đại học có sứ mệnh đào tạo và nghiên cứu khoa học. Giao cho giáo dục đại học quyền tự chủ, thì cũng nên trao cho họ niềm tin. HenriFrederic Amiel – Triết gia người Thụy Sỹ đã nói “Xã hội tồn tại nhờ niềm tin, xã hội phát triển nhờ khoa học".