Đôi lời chia sẻ của biên tập viên chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi gửi cho người đàn ông đang băn khoăn không biết làm thế nào để cải thiện mối quan hệ với vợ:
Trước tiên, tôi muốn nói về mối quan hệ giữa vợ và bố mẹ bạn. Ông bà đã lớn tuổi, lại là người miền Bắc, khác với môi trường sống của vợ bạn nên chắc chắn cách suy nghĩ, lối sống sẽ có nhiều khác biệt. Bạn cần hiểu điều này để có cách điều chỉnh lối cư xử với cả bố mẹ và vợ từ đầu khi sống chung để 2 bên ít có những xung đột, và cũng để ngăn chặn sự thô lỗ và vô lễ của vợ bạn với bố mẹ chồng.
Bạn yêu thương và muốn bao bọc những người thân trong gia đình, điều đó không có gì sai. Tuy nhiên, những lần bạn giúp đỡ người nhà, bạn có bàn bạc hoặc nói trước với vợ không? Bạn muốn đón cháu về ở cùng 1 thời gian, cái cách mà bạn nói với vợ là để thông báo điều mà bạn đã quyết định hay là đưa ra vấn đề để bàn bạc? Nếu bạn tự quyết, trong khi vợ hoàn toàn không biết, hoặc để cô ấy tự phát hiện, cô ấy sẽ bị tổn thương lòng tự trọng, có cảm giác chồng không tôn trọng mình, dần dần cô ấy cho rằng, bạn đang lén lút giúp đỡ bên nội. Ngược lại, nếu bạn đã bàn bạc với vợ nhưng cô ấy vẫn không đồng ý, thì lúc này bạn lại cần khéo léo hơn để hài hòa. Không phải người phụ nữ nào cũng dễ dàng chấp nhận khi gia đình có thêm một thành viên khác. Có thể bạn là đàn ông suy nghĩ đơn giản nhưng hãy đặt mình vào vị trí của vợ để cân nhắc cả hai hướng.
Vợ chồng bạn ở xa nhà nội, mà xa mặt thì cách lòng, bạn đã hướng dẫn vợ cách tôn trọng, quan tâm đến mọi người bên nội chưa? Thêm nữa cô ấy cũng không phải kiểu phụ nữ chăm chút, vun vén cho chồng, hoặc có thể do bạn quá cẩn thận, chi tiết: bạn sắp xếp, dọn dẹp nhà cửa, chỉ dành cho vợ mỗi việc nấu ăn và giặt đồ nên cô ấy mặc nhiên hiểu rằng, bạn làm được hết. Đó cũng chính là phần lỗi của bạn. Và lỗi lớn hơn là bạn để kéo dài việc này, hình thành cho vợ thói quen và nếp suy nghĩ mỗi người tự lo cho mình. Vô hình chung, giữa hai bạn đang dần mất đi sự gắn kết.
Hãy thẳng thẳn nhìn vào phần lỗi của mình bạn ạ. Hai vợ chồng nên có cuộc nói chuyện rõ ràng, dứt khoát. Không thể tiếp diễn chuyện giận nhau kéo dài, ai lo việc người nấy, không thể có sự vô lễ, lạnh nhạt với ba mẹ chồng trong khi vợ vẫn muốn chồng phụng dưỡng, quan tâm nhà vợ. Đặc biệt là cần tìm hiểu rõ thực sự vợ bạn cần gì, muốn gì ở chồng. Bạn chu cấp tiền bạc đầy đủ, giúp vợ làm việc nhà, nhà cửa ổn định, giờ điều cô ấy muốn là gì? Hãy lắng nghe cô ấy để xem cô ấy còn thực sự yêu chồng, muốn vun đắp gia đình nhỏ không, hay hiện tại vợ bạn cũng có những cơn sóng ngầm bất mãn về chồng?
Các cụ có câu "dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về", dạy ở đây không phải lấy sự áp đặt, vai vế của người đàn ông để khiến vợ tuân thủ, mà dạy là hướng dẫn, giúp đỡ để vợ hòa nhập với cách sống mới, môi trường mới ở gia đình chồng. Các bạn ở riêng, khoảng cách địa lý cũng xa, nhưng ít nhất bạn cần tạo không gian, tình huống để vợ con và gia đình bên nội được trò chuyện, hỏi han. Đừng thấy ban đầu cô ấy chưa khéo, chưa tốt đã chán nản, bỏ cuộc. Đã là vợ chồng, ngoài tình yêu còn là đạo nghĩa, sự tôn trọng dành cho nhau. Vợ chồng cũng không phải là cái áo, manh quần mà không thích thì rũ bỏ. Hãy cố gắng vun đắp, hy vọng bạn sẽ sớm vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.