Sáng 9/5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Bên cạnh đó, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội đã nêu rõ những nội dung cần tiếp tục hoàn thiện để đảm bảo tính khả thi và đồng bộ của dự thảo Luật.

Dự án Luật sửa đổi lần này được xây dựng trong bối cảnh yêu cầu thực tiễn đặt ra ngày càng cấp bách. Các quy hoạch hiện nay đang vướng mắc bởi sự chồng chéo, thiếu linh hoạt giữa Luật Quy hoạch với các luật có liên quan. Việc triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính và xây dựng chính quyền hai cấp đòi hỏi phải nhanh chóng điều chỉnh lại hệ thống quy hoạch theo hướng tinh gọn, khả thi và thích ứng cao hơn.

Tờ trình của Chính phủ cho biết, dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung 33 điều, khoản của Luật Quy hoạch với một số điểm mới đáng chú ý:

  • Bổ sung các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành vào hệ thống quy hoạch, mở rộng phạm vi điều chỉnh và tăng tính bao phủ của luật trong thực tiễn.
  • Đơn giản hóa nội dung quy hoạch bằng việc chuyển danh mục dự án quan trọng từ trong quy hoạch sang kế hoạch thực hiện quy hoạch, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong phê duyệt, tổ chức thực hiện.
  • Cho phép lập đồng thời các loại quy hoạch khác nhau, tránh tình trạng chờ đợi lẫn nhau như trước đây.
  • Cắt giảm thủ tục hành chính khi điều chỉnh quy hoạch như bỏ quy định xin chủ trương điều chỉnh, áp dụng thủ tục rút gọn và không yêu cầu đánh giá môi trường chiến lược trong một số trường hợp cụ thể.

Đặc biệt, dự thảo Luật chú trọng tăng cường phân cấp thẩm quyền, giao cho các bộ, ngành và địa phương nhiều quyền chủ động hơn trong tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Đây là bước đi nhằm nâng cao tính tự chủ, trách nhiệm và sự linh hoạt của các cấp trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch.

Tuy nhiên, theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính, dự án Luật hiện mới chỉ là giải pháp tình thế, chưa xử lý triệt để các "điểm nghẽn" mà nhiều địa phương và cơ quan phản ánh. Nhiều vướng mắc không chỉ nằm trong Luật Quy hoạch mà còn liên quan đến các luật chuyên ngành như đất đai, xây dựng, môi trường…

Ủy ban đề nghị cần xác định rõ phạm vi, mục tiêu sửa đổi, tránh tình trạng chắp vá, thiếu đồng bộ. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ sớm rà soát, điều chỉnh đồng bộ các luật có liên quan tại Kỳ họp thứ 9, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tránh việc sửa một luật lại làm phát sinh vướng mắc ở luật khác.

Một số ý kiến trong Báo cáo thẩm tra còn nêu rõ lo ngại về việc phân cấp thẩm quyền quá sâu cho Chính phủ trong các quy hoạch có tầm quan trọng đặc biệt như quy hoạch sử dụng đất quốc gia hay quy hoạch không gian biển quốc gia. UBKTTC đề nghị chưa nên phân cấp những nội dung này trong thời điểm hiện tại, mà cần có đánh giá kỹ lưỡng hơn khi tiến hành sửa đổi toàn diện Luật trong tương lai.

Bên cạnh đó, dù dự thảo đã bổ sung nguyên tắc xử lý mâu thuẫn giữa các quy hoạch không cùng cấp, nhưng vẫn chưa làm rõ cách thức xử lý với các quy hoạch cùng cấp thẩm quyền quyết định - một tồn tại đang gây khó khăn trong thực tiễn thời gian qua.

Việc sửa đổi Luật Quy hoạch là một trong những khâu then chốt để hiện thực hóa tinh thần đổi mới mô hình tăng trưởng, cải cách thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Những sửa đổi lần này, nếu được hoàn thiện và đồng bộ hóa, sẽ là cơ sở quan trọng để tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, để không rơi vào tình trạng “sửa luật này, phát sinh vướng mắc ở luật khác”, cần có lộ trình sửa đổi tổng thể, toàn diện hệ thống pháp luật về quy hoạch, bảo đảm tầm nhìn dài hạn và hiệu quả thực thi trong thực tiễn.