Sáng 19/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Việc tổ chức lại hệ thống Tòa án theo hướng tinh gọn, hiệu quả, chuyển sang mô hình ba cấp gồm: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân khu vực nhận được sự đồng thuận cao. Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề thẩm quyền theo lãnh thổ và yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng khẳng định, việc tổ chức Tòa án theo khu vực là một bước đi đúng đắn, bám sát Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, trong đó yêu cầu tách thẩm quyền xét xử khỏi đơn vị hành chính. Điều này không chỉ tinh giản bộ máy, mà còn tạo điều kiện tập trung đội ngũ thẩm phán, tránh tình trạng phân tán, thiếu nguồn nhân lực như hiện nay.

Theo Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, việc sắp xếp 355 Tòa án khu vực thay cho 693 Tòa án nhân dân cấp huyện hiện nay sẽ không chỉ tinh giản về số lượng, mà còn nâng cao chất lượng xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Theo dự thảo luật, Tòa án khu vực sẽ thực hiện xét xử sơ thẩm tất cả các vụ việc dân sự, hành chính và cả các vụ án hình sự có khung hình phạt đến 20 năm tù. Trong khi đó, Tòa án nhân dân cấp tỉnh chủ yếu xử phúc thẩm và chỉ sơ thẩm những vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính - Đoàn ĐBQH T.p Hà Nội nhấn mạnh, việc chuyển thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm về Tòa án cấp tỉnh là hợp lý, góp phần tháo gỡ khó khăn trong áp dụng luật tố tụng và phù hợp với yêu cầu tinh gọn bộ máy, tăng cường tính chuyên nghiệp của hệ thống Tòa án.

Tuy nhiên, không ít ý kiến bày tỏ băn khoăn về quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 dự thảo luật, theo đó giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án khu vực. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, quy định này dễ dẫn đến chồng lấn với các bộ luật tố tụng hiện hành như Bộ luật Tố tụng Hình sự, Dân sự, Hành chính. Bà đề nghị cần rà soát, sửa đổi tại các luật tố tụng để bảo đảm đồng bộ, tránh xung đột pháp lý.

Việc tổ chức lại hệ thống Tòa án theo hướng khu vực sẽ làm gia tăng áp lực công việc tại các tòa mới sáp nhập. Do đó, nhiều đại biểu kiến nghị Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao cần có chính sách thu hút nhân lực có chuyên môn sâu, đồng thời ưu tiên đào tạo thẩm phán làm việc ở những khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Đại biểu Nguyễn Tạo nhấn mạnh, việc này không chỉ bảo đảm hiệu quả vận hành của bộ máy mới mà còn giúp nâng cao chất lượng xét xử trong bối cảnh các vụ việc ngày càng phức tạp.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân được đánh giá là kịp thời, phù hợp với yêu cầu của cải cách tư pháp. Tuy nhiên, quá trình triển khai cần đặc biệt chú ý đến tính đồng bộ giữa tổ chức bộ máy và hệ thống pháp luật liên quan, nhất là các quy định tố tụng, nhằm đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng và hiệu quả thực thi trong thực tế.