Ít ai nghĩ rằng ở giữa cao nguyên đá Đồng Văn lại có những thung lũng hoa hồng đỏ thắm, cuốn hút đến vậy. Các vựa hoa được chia làm nhiều lô, nằm trải dọc theo con đường nhựa dẫn tới thị trấn Đồng Văn, xã Phó Bảng, Sủng Là, Phố Cáo…Ông Hoàng Ngọc Thanh - chủ nhân 1 vườn hồng ở thị trấn Đồng Văn cho biết: Ông bén duyên với hoa hồng cũng chỉ là tình cờ và niềm đam mê, chứ ban đầu vợ chồng ông không nghĩ có thể trồng được cả cánh đồng hoa rực rỡ như thế này.

Dù hoa hồng là loại cây phù hợp với khí hậu của địa phương lại cho giá trị kinh tế cao nhưng vụ đầu lại cho kết quả không mấy khả quan. Ông Thanh quan niệm: ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó nên ông lại quyết tâm làm và thuê lại 1 ha đất của các hộ xung quanh để trồng hoa rồi thuê nhân công chăm sóc. Nhờ kinh nghiệm học hỏi được từ bạn bè về cách phòng trừ sâu bệnh nên mỗi năm, vườn hồng nhà ông cho thu hoạch từ 3 - 4 vụ; hoa ra bông to, đẹp và có nhiều ưu điểm hơn các loại hoa hồng trồng ở những nơi khác. Mỗi năm trừ chi phí gia đình ông cũng thu nhập được hơn 300 triệu đồng.

Cũng thoát nghèo từ 1 loại hoa được coi là biểu tượng của tỉnh Hà Giang - hoa Tam giác mạch, ông Lương Triều Nghị ở thị trấn Đồng Văn được bà con biết đến là người thành công trong việc kết hợp trồng hoa và làm home stay. Trước đây, gia đình ông chủ yếu trồng ngô. Do địa hình và thời tiết khắc nghiệt, mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ nên sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu được từ 7 - 8 triệu đồng. Từ năm 2017, khi tỉnh có chủ trương trồng cây hoa tam giác mạch để tạo cảnh quan du lịch, ông Nghị đã hưởng ứng ngay. “Tam giác mạch không chỉ giúp cho gia đình tôi mà nhiều người cũng có nguồn thu nhập để xóa đói giảm nghèo” – Ông Nghị chia sẻ.

Nhờ chăm sóc theo đúng quy trình nên diện tích trồng tam giác mạch của gia đình ông phát triển tốt và cho hoa đẹp. Cây tam giác mạch không bị sâu bệnh phá hoại, cho thu nhập cao hơn nhiều so với cây ngô. Gần đây, do lượng khách du lịch tăng nhiều nên gia đình ông mở rộng thêm diện tích trồng hoa. Từ hoa tam giác mạch, bình quân mỗi ngày gia đình ông thu từ 1,5 - 2 triệu đồng. Ngoài việc phục vụ cho du khách đến thăm quan chụp ảnh, ông còn làm bánh, kẹo, rượu từ cây tam giác mạch. Nhờ vậy, nguồn thu nhập của gia đình cũng khá ổn định.

Ở nơi có địa hình và khí hậu khắc nghiệt như Hà Giang, những người bình thường làm đủ ăn đã khó, với những thương binh do ảnh hưởng của bom đạn trong chiến tranh lại càng khó hơn. Dẫu vậy, những cựu chiến binh ở Hà Giang vẫn luôn phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, phát triển kinh tế bằng chính sức lao động của mình. Sự quyết tâm đó sẽ là động lực để bà con học tập và noi theo./.