Trong ngôi nhà bình dị ở đường Bà Triệu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, bà Hoàng Thị Nở - 1 trong 11 cô gái sông Hương huyền thoại, kể cho tôi nghe về những tháng ngày khói lửa chiến tranh, về những đồng đội trong tiểu đội nữ được Bác Hồ tặng thơ vào năm 1968.

Khóc khi được Bác tặng thơ

Nói về xứ Huế mộng mơ, người ta thường nghĩ đến những cô gái Huế dịu dàng, nhỏ nhắn, hiền hậu, vậy mà tiểu đội 11 cô gái sông Hương ngày ấy đã làm nên bao điều kỳ diệu. Cho đến hôm nay dẫu người còn, người mất nhưng tên tuổi những cô gái ấy đã khắc ghi vào trang sử vàng dân tộc, trong nỗi nhớ, niềm tự hào, khâm phục của người Việt Nam.

16 tuổi, cô gái Hoàng Thị Nở hăng hái tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương. Chị có mặt trong tiểu đội dân quân xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy với 10 cô gái khác trẻ trung, xinh đẹp nhưng lòng căm thù giặc thì hừng hực cùng nỗi đau quê hương đất nước chìm trong chiến tranh. Do yêu cầu của nhiệm vụ, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 của quân dân thành phố Huế, ban chỉ đạo chiến dịch đã khẩn trương thành lập một tiểu đội nữ để làm nhiệm vụ. Tiểu đội 11 cô gái sông Hương được thành lập vào đầu năm 1967 do chị Phạm Thị Liên làm đội trưởng và chị Đỗ Thị Cúc làm đội phó.

Nhiệm vụ chủ yếu của các chị khi đó là bám sát địa bàn quen thuộc để xây dựng cơ sở ở các xã lân cận, vào thành phố nắm các mục tiêu quan trọng của địch, làm giao liên dẫn đường cho chiến dịch. Các cô gái không quản khó khăn nguy hiểm ra sức bảo vệ sở chỉ huy chiến dịch ở xã Thủy Vân, ở phường Xuân Phú, dẫn đường tải thương binh, tử sĩ về tuyến sau, đồng thời kết hợp đánh ngăn chặn không cho địch vào thành phố. Để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này, các chị đã lặng lẽ, gan dạ nghiên cứu, tìm hiểu đường đi lối về để không bị sơ hở. Phường Xuân Phú là nơi căn cứ dừng chân đánh vào khu tam giác - nơi chiến tranh diễn ra ác liệt ở Huế.

Vừa chỉ tay vào tấm ảnh những cô gái anh hùng, bà Nở vừa xúc động kể: “Gian khổ, nguy hiểm, chị em chúng tôi hạ quyết tâm làm tốt công việc. Trận đánh Xuân Mậu Thân 1968 là trận đánh ác liệt. Chúng tôi không thể nào quên đêm 30 Tết, chị em chia làm 3 tổ dẫn 3 cánh quân vào thành phố đánh úp khiến địch không kịp trở tay. Sau đó, địch phản công với lực lượng hùng hậu, xe tăng, thiết giáp từ Phú Bài đổ lên. Tiểu đội chúng tôi vừa làm nhiệm vụ dẫn đường, vừa tải thương, vừa trực tiếp cầm súng đánh giặc…”.

Như một cuốn phim quay chậm, bà Hoàng Thị Nở từ từ kể lại. Trong câu chuyện lịch sử Xuân Mậu Thân, có đoạn bà kể hào hùng, có đoạn giọng bà trầm lắng, nghẹn ngào. Ác liệt nhất là trận đánh đêm 11 và rạng sáng 12/2/1968, 10 chiếc xe tăng cùng một tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ ào ào tiến vào thành phố, tiểu đội 11 cô gái sông Hương đã chia làm các tổ hạ quyết tâm ngăn chặn, tiêu diệt kẻ thù. Trong chiến dịch này, tiểu đội nữ đã lập nên chiến công xuất sắc, đẩy lùi một tiểu đoàn bộ binh Mỹ, tiêu diệt 120 tên tại ngã ba chợ Cống, phường Phú Hội, góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968. Trong chiến dịch này, có 4 chị đã mãi mãi ra đi.

Nhớ lại sự hy sinh của đồng đội mình, bà Nở không cầm được nước mắt: “11 cô gái sông Hương, tất cả mới chỉ mười tám, đôi mươi. Các chị ngã xuống khi tóc còn xanh màu con gái, chưa một lần cầm tay người yêu. Chị Hoàng Thị Sau, chị Đỗ Thị Hoa cùng hy sinh vào ngày 12/2; chị Hoàng Thị Hết, Nguyễn Thị Diên cùng hy sinh ngày 24/2. Các chị nằm xuống giữa phố phường trong tiết trời se lạnh xứ Huế, trong mùi khói thuốc quyện vào mùi thơm bánh tét mùa xuân”. Chiến công của 11 cô gái sông Hương góp phần cùng với quân dân ta đã làm chủ thành phố Huế trong suốt 25 ngày đêm. Thật tự hào và xúc động biết mấy, với chiến công vang dội ở chiến dịch Xuân 1968, tiểu đội 11 cô gái sông Hương đã vinh dự được Bác Hồ tặng thơ khen ngợi:

Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường

Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường

Bác khen các cháu dân quân gái

Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương.

Nhớ lại giây phút đầu tiên nhận được bài thơ Bác tặng, bà Nở xúc động đọc lại từng câu với giọng rưng rưng rồi rơi nước mắt. Bà tâm sự: “Nghe hết bài thơ, chị em nhìn nhau và ai cũng khóc. Bác bận trăm công nghìn việc lớn của đất nước vậy mà không ngờ, chiến công nhỏ của mình vẫn được Bác dõi theo, động viên. Nghe bài thơ Bác tặng lòng cảm thấy ấm áp, chị em nắm chặt tay nhau hứa quyết tâm hơn nữa để xứng đáng với lòng thương yêu và niềm tin của Bác”.

Sau chiến dịch Xuân 1968, các cô gái sông Hương tiếp tục cầm súng chiến đấu khắp chiến trường Thừa Thiên. Bám sát địa bàn, thu mua lương thực, ngày 15/9/1969, đội phó Đỗ Thị Cúc hy sinh ở chiến trường A Lưới; ngày 24/4/1972, đội trưởng Phạm Thị Liên hy sinh khi đang làm nhiệm vụ ở Kim Long, ven thành phố. Chiến tranh kết thúc, tiểu đội 11 cô gái sông Hương chỉ còn lại 5 người. Dù còn, dù mất, các chị đã trở thành biểu tượng của người phụ nữ Huế xinh đẹp và anh hùng. Sống anh hùng, chết vẻ vang, sau ngày đất nước thống nhất, bia tưởng niệm ghi công Tiểu đội nữ du kích sông Hương đã được thành phố Huế xây dựng tại ngã ba đường Lê Quý Đôn - Bà Triệu thuộc phường Xuân Phú - nơi diễn ra cuộc chiến tranh ác liệt - địa bàn các chị hoạt động và lập nên chiến công vang dội mùa xuân 1968. Ngày 28/4/2009, tiểu đội 11 cô gái sông Hương được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhớ đồng đội da diết

Đất nước thống nhất, 5 cô gái trong tiểu đội 11 cô gái sông Hương trở về cuộc sống đời thường, mỗi người một công việc và xây dựng hạnh phúc gia đình. Chị Hợi lấy chồng và sinh sống ở huyện Phong Điền, chị Xê theo chồng ở tỉnh Ninh Bình. Chị Nở, chị Mừng, chị Hoa ở Huế. Trong 11 cô gái sông Hương, chị Nở là người có duyên nợ nặng sâu với đường Bà Triệu, với phường Xuân Phú, Huế. Bởi lẽ, đã từng vào sinh ra tử ở vùng này, sau ngày đất nước thống nhất, gia đình chị lại về ở tại đây. Nâng niu hạnh phúc bên người chồng là anh Trần Công Xanh, cũng là một thương binh, thiếu tá quân đội và 2 cô con gái đáng yêu, chị Hoàng Thị Nở không bao giờ quên một thời hoa lửa, những kỷ niệm bên đồng đội thân yêu...

Sau năm 1975, bà Nở làm Chính trị viên phường đội Vĩnh Lợi. Năm 1978, người nữ anh hùng ấy về nhận công tác ở Hội Nông dân thành phố Huế và đến năm 1980 được bầu làm chủ tịch hội cho đến ngày nghỉ hưu năm 2007. Phát huy phẩm chất người chiến sĩ cách mạng, trở về cuộc sống đời thường, dù làm việc gì, ở đâu, cô gái sông Hương anh hùng ngày trước vẫn dồn tất cả niềm say mê để hoàn thành xuất sắc công việc. Gần 30 năm ở Hội Nông dân thành phố với vai trò thủ lĩnh, bà Hoàng Thị Nở lặng lẽ đóng góp, cống hiến, thúc đẩy phong trào. Dẫu vết thương chiến tranh vẫn làm bà đau nhức khi trái gió, trở trời nhưng lúc nào bà cũng niềm nở, lạc quan. Bà bảo, “dù ở Huế nhưng chị em ít gặp nhau lắm, ai cũng bận rộn với công việc gia đình, người thì ốm đau. Mỗi lần có dịp gặp nhau ôn lại chuyện cũ rồi lại khóc. Nhớ các chị em quá… Về nghĩa trang xã Thủy Thanh, đến bia tưởng niệm thắp nén nhang chúng tôi như đang trò chuyện cùng các chị”.

Hỏi về ước mong hiện tại và sau này, bà Nở bộc bạch: “Được trở về sau chiến tranh, sống trên đất Huế, hạnh phúc bên gia đình, mình cảm thấy may mắn quá rồi… chỉ ước mong sao thỉnh thoảng được gặp các chị đang ở xa để đỡ nhớ thôi…”.

47 năm đất nước độc lập, thanh bình, mái tóc của cô gái sông Hương anh dũng ngày xưa đã đổi màu, nhưng có một điều chắc chắn rằng ký ức về chiến tranh, nỗi nhớ về tiểu đội nữ và những vần thơ Bác Hồ gửi tặng thì cứ mãi đong đầy trong tận trái tim để tiếp tục sống một cuộc đời bình dị, sáng trong, mẫu mực giữa cuộc sống hôm nay. Năm nay bà Hoàng Thị Nở đã tròn 73 tuổi, thỉnh thoảng, gặp mặt các chiến sĩ cách mạng năm xưa ôn lại tháng năm hào hùng của lịch sử, thăm lại chiến trường xưa và đồng đội; sinh hoạt đều đặn với chi bộ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh… ở địa phương.

Xin thắp một nén tâm nhang, cúi đầu kính cẩn trước vong linh các cô gái đã vĩnh viễn nằm xuống trên đất mẹ; xin chúc các cô gái sông Hương ngày ấy trở về từ chiến tranh sức khỏe để tiếp tục cùng đồng hành với các thế hệ con cháu hôm nay trên bước đường dựng xây, phát triển quê hương, đất nước.

Nguồn: qdnd.vn