Tháng 12, một sự kiện lịch sử - “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Để gây áp lực trên bàn đàm phán, chính quyền của Tổng thống Richard Nixon đã điều máy bay B52 quần thảo 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội. Thế nhưng, không quân Mỹ đã vấp phải thế trận vững chắc, mưu trí và sáng tạo của quân dân Việt Nam đó là thế trận lòng dân.

Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” đóng vai trò quyết định trực tiếp buộc chính phủ Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân viễn chinh, quân đồng minh về nước, mở ra bước ngoặt mới cho toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Bên cạnh lực lượng vũ trang, đóng góp vào chiến thắng chung đó còn có lực lượng dân quân tại các thôn, xã.

Lực lượng dân công phân thành nhiều đội: đội trực chiến, đội tải thương, đội công binh... Bà Hoàng Thị Nhung tham gia vào đội trực chiến của dân quân Định Công (huyện Thanh Trì, nay là quận Hoàng Mai). Đội trực chiến bắn máy bay tầm thấp. Đã từng lập chiến công bắt được phi công Mỹ trên cánh đồng Định Công.

Ngày ấy, mỗi lần đi trực chiến, bà Nhung được mẹ cho 2 bát gạo/ ngày, góp cùng anh chị em thổi cơm chung. "Ngày ấy ai cũng đói, nhưng bố mẹ vẫn cho 2 bát gạo một ngày là quý lắm"- bà Nhung nhớ lại.

Ông Nguyễn Trần Tuyến là bộ đội. Vì lý do không đủ sức khỏe, ông về địa phương và tham gia lực lượng dân quân. Sau mỗi cơn mưa bom bão đạn của không quân Mỹ, lực lượng dân quân còn có nhiệm vụ đi nhặt bom bi để tiêu hủy. "Người dân cần chúng tôi nên lúc đó không màng nguy hiểm, cứ đi nhặt thôi" - Ông Tuyến tâm sự.

Cuối tháng 12 hàng năm, lực lượng cựu dân quân chống Mỹ phường Định Công lại tổ chức buổi họp mặt truyền thống. Hơn 60 con người như được sống lại thời thanh niên sôi nổi, bắn máy bay, nhặt bom bi, đi tải thương...

Có những cô gái 17-18 tuổi đã tham gia lực lượng dân quân. Sau khi được tham gia lớp tập huấn cứu thương, các cô lại trở về tay cày, tay súng, đầu đội mũ rơm, vừa lao động sản xuất, vừa sẵn sàng nghe tiếng còi báo động là đi cứu thương. Chẳng ai màng đến chuyện riêng tư hay nguy hiểm.

"Phương ước mơ làm thợ điện" - bà Nguyễn Thị Tuyết Lan nhớ lại người bạn cùng đội tải thương, chưa tròn tuổi 20 và đã hy sinh, được phong tặng liệt sĩ.

Lực lượng dân quân chủ yếu là nữ. Có người chồng đi chiến đấu vợ ở nhà vẫn tham gia lực lượng dân quân. Bà Phan Thị Kim Tấn có hoàn cảnh đặc biệt. Vợ chồng cưới nhau được 10 ngày, ông hết phép quay lại chiến trường. Cả hai hẹn ước nếu sinh con trai sẽ đặt tên là Nam Chiến, sinh con gái sẽ tên Thủy (thủy chung). Sau 10 ngày làm vợ, bà chẳng bao giờ gặp lại ông nữa. Bà sinh con trai và giữ đúng lời hẹn ước với ông.

Sẽ còn nhiều mùa xuân nữa gặp lại, con số thành viên cựu dân quân có thể vơi dần theo thời gian năm tháng. Thế nhưng, họ vẫn tràn đầy nhiệt huyết, tự hào vệ lực lượng dân quân. Đó là thanh xuân của những cô gái chàng trai Hà Nội một thời chống Mỹ.