Để có hòa bình hôm nay đất nước ta đã phải đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, bằng cả xương máu của biết bao thế hệ đi trước. Có những người tuổi đời còn rất trẻ đã gạt lại phía sau những hạnh phúc riêng tư, nguyện đem thân mình dâng hiến khi Tổ quốc lâm nguy như liệt sĩ Phạm Hoài quê ở huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Nhiều năm trôi qua, cựu chiến binh Tạ Duy Hà và Hoàng Trọng Kiểm vẫn luôn thương tiếc người đồng đội đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ.

Tháng 11/1978, ba thanh niên Tạ Duy Hà, Hoàng Trọng Kiểm và Phạm Hoài tham gia nhập ngũ, bổ sung lực lượng cho chiến trường biên giới Tây Nam. Sau thời gian huấn luyện ngắn ngủi, các anh hành quân vào chiến đấu tại mặt trận Campuchia. Khi ấy các anh thuộc đơn vị bộ binh ở Trung đoàn Ba Gia, Sư đoàn 2, Quân khu 5.

Những chiến sĩ trẻ vào chiến trường đối mặt với biết bao gian khó, hiểm nguy. Lúc ra đi liệt sĩ Phạm Hoài đang là sinh viên năm cuối nên được Nhà trường xét đặc cách tốt nghiệp. Chàng trai năm ấy sức khỏe rất yếu, nhiều bệnh tật nhưng vẫn quyết tâm đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Trung đoàn Ba Gia ngày ấy được mệnh danh là “Trung đoàn Thép” khi là đơn vị giải phóng Tam Kỳ và Đà Nẵng, góp phần vào chiến thắng hoàn toàn miền Nam và làm tròn nghĩa vụ quốc tế trên đất nước Campuchia. Những người lính ở chiến trường biên giới Tây Nam thật tự hào khi là chiến sĩ Trung đoàn Ba Gia. Càng tự hào hơn khi Trung đoàn 3 lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào các năm 1972, 1976 và 1979. Đi cùng với những chiến công là những mất mát, nhất là sự hy sinh của đồng đội khiến những người ở lại như ông Hà, ông Kiểm thật lâu có thể nguôi ngoai.

Liệt sĩ Phạm Hoài tên thật là Phạm Tiết Thu, nhưng khi đi chiến đấu thì lấy tên Hoài – là tên của người chị ruột đã mất. Theo lởi ông Kiểm thì ngày đó liệt sĩ lên đường nhập ngũ với ước nguyện mang lại niềm tự hào cho gia đình, cả những người đang sống và đã khuất. Sự hy sinh đó là không vô ích khi đất nước có nền hòa bình độc lập như hôm nay. Và hơn hết, những người còn lại vẫn luôn nhớ về liệt sĩ với một niềm trân trọng, thiêng liêng. Trong không khí Tết cổ truyền đang gần kề, thật vui khi gia đình liệt sĩ Phạm Hoài đã đón được phần mộ ông trở về quê nhà là huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Những đồng đội vì thế cũng yên lòng hơn.

Không ai chọn được cho mình cách chết, nhưng cách các anh nằm xuống như một ánh hào quang soi sáng trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để lời thơ cứ vang vọng mãi:

Vì Tổ Quốc thân phơi nắng gió

Diệt giặc thù tim đỏ sục sôi

Băng rừng vượt suối leo đồi

Máu đào tuôn đổ dung bồi quê hương.