Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, Mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) là địa bàn trọng điểm bị địch lấn chiếm và phá hoại nhiều mặt. Hàng trăm trận chiến đấu diễn ra quyết liệt, nhiều bộ đội của ta đã hy sinh trên mảnh đất này, trong đó có chiến sĩ Nguyễn Dũng ở phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.

Hơn 30 năm trước khi chiến trường Vị Xuyên diễn ra ác liệt, gần 20 học sinh, sinh viên ở phố Bạch Mai, Hà Nội đã viết những lá đơn, quyết tâm thư bằng máu tình nguyện lên đường nhập ngũ. Trong số những thanh niên trẻ ngày ấy có 3 chàng trai là Nguyễn Dũng, Nguyễn Văn Long và Nguyễn Mạnh Cường.

“Tôi và đồng chí Dũng được huấn luyện cùng và nằm cùng giường, ăn cùng mâm ở tại nơi huấn luyện ở Tà Lỏn, Xuân Giao, Phú Lô, lúc bấy giờ là tỉnh Hoàng Liên Sơn” Cựu chiến binh Nguyễn Văn Long nhớ lại.

Còn Nguyễn Mạnh Cường là bạn học thuở nhỏ với Nguyễn Dũng. Hai anh đi bộ đội cùng một ngày, cùng được huấn luyện tại trường Quân chính. Ông Cường kể “Tôi nhớ mãi đồng chí Dũng thời học sinh ngoan ngoãn, học giỏi. Khi lên đến đơn vị huấn luyện, đồng chí Dũng bắn rất giỏi, khi về trường quân chính học lớp A trưởng cũng rất sôi nổi, chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội nên nhà trường thưởng cho đồng chí mấy ngày nghỉ phép”.

Những ký ức về một thời hừng hực khí thế lên đường bảo vệ tổ quốc trong những người lính cựu ùa về. Sau khi tập trung ở Ga Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội), đoàn tàu đưa các chiến sĩ lên thẳng Hoàng Liên Sơn huấn luyện 4 tháng.

Trong đơn vị, Nguyễn Văn Long và Nguyễn Dũng nằm cùng một giường, ăn cùng một mâm nên tình cảm vô cùng gắn bó. Sau đó Dũng được cử đi học lớp A trưởng ở Đoan Hùng, Phú Thọ, còn Long được điều động về đơn vị 150.

Mỗi khi nhắc tới những kỷ niệm về Dũng, ông Long không khỏi xúc động: “Thời huấn luyện ở cùng nhau, đồng chí Dũng có một cái kẹo vừng nhỏ cũng phần tôi một nửa. Đồng chí lúc ấy 18 tuổi, tôi hơn đồng chí một tuổi. Đồng chí sống tình cảm, hát rất hay, thường hát những bài về biên cương”.

Thời điểm đó, chưa khi nào Vị Xuyên ngớt tiếng pháo, đạn, súng cối từ bên kia biên giới rót sang. Có đợt, chỉ trong 3 ngày, Trung Quốc đã bắn hơn 100 nghìn quả đạn pháo vào khu vực Vị Xuyên về đến thị xã Hà Giang.

Trong khoảng thời gian từ năm 1984 - 1989, tính riêng mặt trận Vị Xuyên đã có trên mười sư đoàn bộ binh tham gia chiến đấu. Các đơn vị của ta quyết tâm chiến đấu, giành giật với địch từng chiến hào, từng cao điểm để bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc. Sư đoàn 356 của ông Cường hành quân ròng rã ngày đêm, lật cánh đánh từ Hoàng Liên Sơn sang để giành lại các điểm chốt 159, 772, 685, 468…

“Giờ nhắc lại các trận đánh tôi lại rơi nước mắt. Riêng trung đoàn chúng tôi đánh đã chết gần 1000 người. Đến bây giờ hầu hết các anh em hy sinh nằm ở nghĩa trang liệt sỹ Hà Giang” – ông Cường xúc động.

Thắng lợi rất oanh liệt nhưng tổn thất của quân ta cũng rất lớn. Hơn 4 nghìn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta đã anh dũng hy sinh. Phần lớn trong số họ mới chỉ mười tám, đôi mươi, lứa tuổi đẹp nhất cuộc đời.

Ngày 12/7/1984 là ngày mở đầu chiến dịch mang mật danh “MB-84” nhằm phản kích lấy lại các điểm cao bị quân Trung Quốc đánh chiếm trên mặt trận Vị Xuyên. Ngày 12/7 cũng in dấu trong tâm trí những người lính cựu, là ngày người đồng đội Nguyễn Dũng hy sinh.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hình ảnh liệt sỹ Nguyễn Dũng vẫn sống trong tim những người còn lại. “Ngày thương binh – liệt sỹ, ngày “giỗ trận” 12/7, rồi ngày nhập ngũ...là những ngày quan trọng với chúng tôi. Anh em đồng đội thường kéo tới nhà, thắp cho Dũng nén hương. Rồi cả đơn vị kéo nhau xuống dâng hương ở nghĩa trang Ngọc Hồi - nơi Dũng đang an nghỉ”.

Hơn 30 năm sau chiến tranh, tinh thần yêu nước, sự hy sinh anh dũng của những người lính Vị Xuyên vẫn luôn được thế hệ sau nhắc nhở để thêm biết ơn, tự hào và tiếp nối truyền thống trong bảo vệ chủ quyền, biên giới của Tổ quốc./.