Đó là Anh hùng liệt sĩ Trương Văn Tôn (1939 -1951), anh là con thứ tư của ông Trương Văn Hậu, quê quán thôn Trung Hòa, Phú Thịnh, Kim Động, Hưng Yên và bà Vũ Thị Kiệm, thôn Tri Thủy, xã Hiệp Hòa (nay là xã Tri Thủy), huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Thành phố Hà Nội). Bà Kiệm có mẹ người xã Phú Thịnh, Kim Động, Hưng Yên. Do có nghề thợ xây, ông Hậu đi qua bến đò Vườn Chuối (sông Hồng), sang làm ăn bên đất Tri Thủy. Ông bà Hậu sinh được năm người con, cô con gái lớn bị ốm chết, ông bà và hai người con út bị giặc Pháp sát hại. Người con cả và thứ hai đi bộ đội.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương có truyền thống cách mạng, Tôn được chứng kiến tội ác của thực dân Pháp giết hại dã man đồng bào ta, trong đó có mẹ và bốn người em họ. Quyết đền nợ nước, trả thù nhà, Trương Vãn Tôn sớm được giác ngộ cách mạng.

Với tinh thần dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, lanh lợi thông minh, luôn có nguyện vọng tham gia hoạt động phong trào cách mạng, Trương Văn Tôn đã được đồng chí Vũ Văn Ân Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến (UBKC) xã Hiệp Hoà ( nay là xã Tri Thủy) là người trực tiếp tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện làm hạt nhân nòng cốt cho phong trào các mạng của xã Tri Thủy. Phong trào cách mạng Tri Thủy gặp nhiều khó khăn giặc Pháp xây bốt Lịm, bốt Mai Sá ở các xã lân cận. Trong địa bàn xã chúng lập tề, xây hai bốt lính dõng (ngụy), xây dựng mạng lưới tay sai, chỉ điểm dầy đặc, thường xuyên đi tuần càn quét lùng bắt du kích, cơ sở cách mạng.

Đầu năm 1951, Trương Văn Tôn được giao nhiệm vụ làm liên lạc chuyển các chỉ thị, mệnh lệnh, các công văn của UBKC xã và Xã đội cho lực lượng du kích trong toàn xã và các đơn vị liên quan để phối kết hợp tổ chức chiến đấu. Anh thường giả làm trẻ bắt cua, có lúc làm người cắt cỏ, có lúc trèo lên ngọn cây giả vờ bắt chim để quan sát tình hình địch và làm nhiệm vụ liên lạc. Dáng người nhỏ bé lại khéo léo che mắt địch, nên mọi nhiệm vụ được cấp trên giao chiến sĩ nhỏ Trương Văn Tôn luôn hoàn thành xuất sắc mà kẻ địch không phát hiện được. Chiến sĩ nhỏ Trương Văn Tôn đã giúp mệnh lệnh của UBKC xã và xã đội được triển khai kịp thời tới các cơ sở cách mạng, đội du kích xã. Phong trào cách mạng xã Tri Thủy cũng từ đó được củng cố và xây dựng vững chắc. Nhân dân một lòng một dạ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Cấp uỷ Đảng, mong chờ ngày giải phóng quê hương.

Sau thất bại nặng nề ta tại chiến dịch Hoà Bình, thực dân Pháp tăng cường mở các đợt càn quét vào các tỉnh ở đồng bằng sông Hồng, nhưng chúng đều bị lực lượng vũ trang và du kích của ta chặn đánh và tiêu diệt. Chúng đã tập trung một lực lượng lớn binh lính mở trận càn vào các xã miền đông huyện Phú Xuyên. Trong đó chiến tuyến chính là xã Tri Thủy hòng tiêu diệt quân chủ lực địa phương và du kích, phá vỡ lực lượng hậu cần địa phương, bắt thanh niên đi lính.

Sáng ngày 21 tháng 2 năm 1951 thực dân Pháp đã huy động lực lượng lớn đánh vào thôn Tri Thuỷ và thôn Nhân Sơn xã Tri Thuỷ bằng 2 gọng kìm. Mũi 1 đánh vào từ hướng Tây theo quốc lộ 1, mũi 2 từ hướng Đông theo Sông Hồng từ Khai Thái vào Thôn Tri Thuỷ; chúng sử dụng pháo binh bố trí ở khu vực đường 1A bắn vào thôn Tri Thuỷ dọn đường cho lực lượng bộ binh, cuộc chiến đấu diễn ra ngay từ sáng sớm ngày 21/2/1951 rất gay go quyết liệt, du kích xã Tri Thuỷ đã phối hợp chặt chẽ với đại đội 43 bộ đội địa phương chiến đấu rất dũng cảm lợi dụng vào địa hình, địa thế của xã đã bẻ gãy các đợt tiến công của địch vào địa bàn xã.

Trong cuộc chiến đấu này, chiến sĩ nhỏ Trương Văn Tôn đã dũng cảm lao đi giữa những làn đạn giặc, kịp thời làm công tác truyền đạt mệnh lệnh đến các chốt, tổ chiến đấu của bồ đội và du kích. Trong trận này ta tiêu diệt và làm bị thương 30 tên địch trong đó có 11 tên lính Pháp, thu nhiều vũ khí, chiến lợi phẩm trang bị cho lực lượng du kích. Thất bại đau đớn, giặc Pháp tăng cường chi viện thêm quân chủ yếu là đường sông (phía Sông Hồng) cuộc chiến đấu không cân sức giữa ta và địch kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ. Mũi tiến công phía Sông Hồng đã gây cho ta một số tổn thất. Một số đồng chí bộ đội, du kích bị hy sinh, nhiều người dân cũng bị thương vong,

Để bảo toàn lực lượng chờ thời cơ, lực lượng du kích, bộ đội địa phương được lệnh về tuyến sau và ẩn nấp dưới hầm bí mật trong Thôn Tri Thuỷ, chiến sĩ Trương Văn Tôn được xã đội giao nhiệm vụ truyền đạt mệnh lệnh cho lực lượng du kích, bộ đội. Nhận mệnh lệnh, chiến sĩ nhỏ Trương Văn Tôn nhanh như sóc, không quản nguy hiểm bằng qua các ngõ xóm dưới làn đạn giặc kịp thời truyền đạt mệnh lệnh cho các tổ, chốt chiến đấu của du kích và bộ đội địa phương rút lui về tuyến sau, hoặc nhanh chóng rút xuống các hầm bí mật an toàn, còn anh vẫn tiếp tục nắm tình hình địch.

Trên đường công tác đến đầu xóm trại, thôn Tri Thủy xã Tri Thủy, chiến sĩ nhỏ Trương Văn Tôn bị địch bắt (lúc đó trong người mang theo 1 con dao găm và 1 quả lựu đạn). Tuy không bắt được bộ đội, du kích nhưng bọn giặc hí hửng cho rằng bắt được chiến sĩ liên lạc của ta tra khảo sẽ tìm được nơi ẩn láu của bộ đội và du kích, lên lúc đầu địch đã tìm cách dụ dỗ doạ nạt để hòng moi tin tức về lực lượng của ta và các hầm bí mật, nhưng chiến sĩ nhỏ Trương Văn Tôn một mực không khai báo. Dùng thủ đoạn dụ dỗ không thành địch chuyển sang tra tấn hòng uy hiếp tinh thần Trương Văn Tôn bằng những thủ đoạn tra tấn cực kì dã man hòng làm lay chuyển tinh thần của anh. Nhưng với khí tiết của một thiếu niên dũng cảm, anh đã vượt qua các trận đòn tra tấn của địch, một lòng, một dạ trung thành với cách mạng, kiên quyết không khai báo hầm bí mật của du kích và nơi đóng quân của bồ đội địa phương cùng các cơ sở cách mạng. Tra tấn, dụ dỗ từ trưa đến chiều không thành, chúng dọa không khai sẽ mổ bụng moi gan anh xem gan to thế nào nhưng vẫn không nhận được lời khai báo nào từ phía anh.

Trước hành động ngoan cường của người chiến sĩ cách mạng, kẻ thù đã hèn hạ dùng dao mổ bụng anh moi gan và ruột anh. Chúng tiếp tục dụ dỗ nếu khai báo sẽ cho khâu lại và cứu sống, nhưng anh vẫn trừng trừng nhìn chúng với ánh mắt căm hờn cắn răng im lặng. Bọn giặc giã man dùng dao khoét mắt anh. Không bắt được bộ đội du kích và cán bộ cách mạng, bọn giặc rút về bốt Lịm và bốt Mai Sá. Từ hầm bí mật bộ đội, du kích lao đến bên anh cạnh bờ ao, anh còn thoi thóp thở, ruột và gan vắt ngang qua phía bên ngoài lồng ngực.

Bế người em, người chiến sĩ nhỏ trên tay mà bà Phạm Thị Hoa, xã đội phó Tri Thủy, kiêm cứu thương xã cố hết sức mà không cứu được anh, bà Hoa và mọi người nước mắt lưng tròng nhìn chiến sĩ nhỏ Trương Văn Tôn và nghe anh hỏi các anh chị có sao không, bố em đâu? Khi nghe chị Hoa nói các anh chị không sao, bố em tản cư rồi, chiến sĩ nhỏ Trương Văn Tôn kịp nở nụ cười trước khi tắt thở vào chiều tà ngày 21/2/1951 khi đang ở tuổi 12.

Để tỏ lòng thương tiếc và ca ngợi lòng dũng cảm, tinh thần bất khuất của chiến sĩ Trương Văn Tôn trước kẻ thù, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau, nhân dân Tri thuỷ đã tặng anh bài vè lưu truyền mãi đến ngày nay.

Anh Tôn du kích quê ta,

Kẻ thù bắt được khảo tra cả ngày.

Một lòng kiên quyết không khai,

Làm cho kẻ địch tay sai điên cuồng.

Đem anh mổ bụng moi gan,

Xong anh vẫn sống trong lòng nhân dân

Gương hy sinh bất khuất, ngoan cường của người thiếu niên chiến sĩ nhỏ Trương Văn Tôn đã được trang trọng ghi trong cuốn lịch sử cách mạng của Đảng bộ Xã Tri Thuỷ ( 1945 -2005) và trong cuốn lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Phú Xuyên (1945-2010). Trong một trận càn sau đó bố anh cùng em út là Trương Văn Thêm cũng bị giặc pháp sát hại. Căm thù giặc cao độ quyết trả thù cho bố mẹ, hai em cùng đồng bào chiến sĩ bị giặc pháp sát hại, hai người anh là Trương Văn Huấn và Trương Văn Đạo đã tìm được bộ đội và xung phong đi đánh giặc. Hòa bình lặp lại người anh cả Trương Văn Huấn xuất ngũ, đã quy tập mộ của bố mẹ và hai em ( Tôn, Thêm ) về quê tại nghĩa trang nhân dân Đầu Âu thôn Trung Hòa, xã Phú Thịnh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Người anh thứ hai Trương Văn Đạo tiếp tục vào Nam chiến đấu đến ngày thống nhất. Hiện ba người con trai của ông Trương Văn Đạo đang là sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, tiếp bước truyền thống cách mạng của cha chú.

Đảng và Nhà nước ghi nhận công lao to lớn của anh đối với Tổ quốc, nhân dân ngày 14/3/2001 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 271/QĐ-TTg truy tặng danh hiệu liệt sỹ cho chiến sĩ Trương Văn Tôn. Ngày 30/01/2011 Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã có quyết định số 162/QĐ-CTN “về việc truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sỹ Trương Văn Tôn, nguyên đội viên du kích xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội).

Tên tuổi Liệt Sỹ Trương Văn Tôn được ghi trang trọng trên bia đá và phần mộ tượng trưng tại nghĩa trang liệt sỹ xã Phú Thịnh, Kim Động, Hưng Yên. Tại khuôn viên phần mộ của anh và gia đình tại nghĩa Trang Đầu Âu, Trung Hòa, Phú Thịnh Kim Động, Hưng Yên đã dựng bia đá ghi lại tấm gương hi sinh oanh liệt của Anh hùng liệt sỹ Trương Văn Tôn. Đó là những địa chỉ đỏ được lớp, lớp thiếu niên nhi đồng cùng các tầng lớp cán bộ Đảng viên và nhân dân địa phương thường xuyên tưởng niệm, khói hương nguyện noi gương người Anh hùng. Mỗi lần đọc những dòng trên bia đá, nhiều người không cầm được nước mắt trước tấm gương bất khuất, hi sinh oanh liệt của người Anh hùng liệt sỹ Trương Văn Tôn, có lẽ là người Anh hùng liệt sĩ nhỏ tuổi nhất Hưng Yên, Hà Nội và là một trong những Anh hùng liệt sĩ nhỏ tuổi nhất Việt Nam./.

(Theo tuyengiaohungyen.vn)