Những ai đã từng trải qua thời kỳ chiến tranh gian khổ, khi cái chết luôn cận kề, mới càng thêm hiểu ý nghĩa của hai từ “hòa bình”. Hơn 40 năm kể từ ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, ông Lê Ngọc Quế ở thôn 5, xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa vẫn không thể nguôi ngoai nỗi nhớ thương những đồng đội đã ngã xuống. Ngày đó, ông Quế là y tá thuộc đơn vị: C54 – D5 – E12 – F3, hoạt động tại địa bàn tỉnh Gia Lai và Bình Đình. Trong thời gian này ông đã phải chứng kiến cũng như tận tay chôn cất rất nhiều đồng đội của mình. Ông Quế kể, cuối năm 1969, một số chiến sĩ trong đơn vị được cử đi kiếm lương thực thì bị vướng bom bi và hi sinh. Đến năm 1972 - 1974, khi đơn vị ông Quế được phân công đánh cắt đường 1 phục vụ cho chiến dịch ở đèo Nhông, Bình Định thì những người đồng đội đã cùng kề vai sát cánh với ông lần lượt tử trận. Có những người có thể làm công tác tử sĩ, nhưng cũng có người không. Đó cũng chính là điều ông luôn cảm thấy day dứt. Qua chương trình, ông Quế bày tỏ mong muốn nếu ai là thân nhân LS Hồng quê ở Hải Hưng, LS Nông Thế Tàng quê ở Bắc Thái, LS Thành quê ở Thái Bình, LS Tính quê ở Vĩnh Phúc, LS Nguyễn Văn Hưởng quê ở Nghệ Tĩnh, LS Nguyễn Quang Hào, quê ở Thái Bình, LS Trì quê ở Nghệ Tĩnh có thể liên hệ với ông qua số điện thoại: 0332.403.501 để biết thêm chi tiết.

#Qua chương trình “Thông tin về những người con hy sinh vì Tổ Quốc” CCB Nguyễn Thanh Phương ở thôn Thọ Khê, xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh muốn chia sẻ về trường hợp của hai người đồng đội hy sinh tại Sông Tê.

Ông Phương cho biết, trước đây ông ở Đại đội 2, Tiểu đoàn 3, năm 1971 được điều động vào Nam thuộc Đoàn 3073. Trong đợt hành quân sang Campuchia bằng xuồng máy đơn vị ông gặp tai nạn nên hi sinh 15 – 16 người. Bản thân, ông đã vớt được xác và tự tay chôn cất hai đồng đội tại trạm giao liên 75 gần sông, đó là đồng chí Nghiêm Đình Thìn quê ở thôn Nghiêm Xá, xã Hàm Sơn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Và đồng chí Dương Đình Tuấn quê ở thôn Hồi Quan, xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Mặc dù vẫn còn nhớ nơi chôn cất đồng đội nhưng ông Nguyễn Thanh Phương không thể nhớ rõ trạm 75 nằm ở đâu trên đất Campuchia.

Sau đó, chúng tôi nhận được thư của ông Lưu Thanh Bình ở khu 5B – thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Ông Bình cho biết, từ năm 1967 – 1973, đơn vị của ông là Đoàn 770, đóng quân tại tỉnh Kratiê, Campuchia. Vì vậy, ông biết rất rõ vị trí của Trạm 75 là trạm giao liên qua Sông Tê. Chúng tôi xin cung cấp số điện thoại của CCB Nguyễn Thanh Phương để 2 bên tiện trao đổi là: 0355.239.329.

Những câu chuyện, những hồi ức về các trận đánh, về nơi hi sinh của các LS góp một phần quan trọng, giúp hành trình tìm kiếm phần mộ bớt gian nan hơn. Chúng tôi rất mong nhận được sự cộng tác nhiệt thành của các CCB cũng như các thính giả. Mọi thư từ, ý kiến đóng góp, trao đổi xin gửi về địa chỉ chương trình Thông tin về những người con hy sinh vì Tổ Quốc: 41 Phố Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội hoặc qua số điện thoại: 0243.8246.787./.