Dù không có lương hưu hay trợ cấp xã hội nhưng bà Nguyễn Thị Tiến xã Đào Dương, huyện Ân Thi, Hưng Yên lại trở thành một trong những tấm gương điển hình trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình. Với 5 triệu đồng được vay từ nguồn hỗ trợ của “CLB Liên thế hệ tự giúp nhau” bà Tiến bắt tay vào cải tạo vườn tạp, mua thêm đàn vịt siêu trứng. Nhờ sự cần cù chịu khó, mỗi tháng bà cũng có nguồn thu nhập ổn định khoảng 4 triệu đồng. Điều này đã hỗ trợ bà rất nhiều trong sinh hoạt hàng ngày. Bà Tiến cho biết: khi tham gia vào câu lạc bộ (CLB), không những bà được tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình mà thỉnh thoảng bà còn được đi giao lưu văn hóa, văn nghệ, giúp bà có cuộc sống vui vẻ và thoải mái hơn trước.

Theo quy định của đề án nhân rộng mô hình “CLB Liên thế thệ tự giúp nhau”, mỗi CLB sẽ được cấp 100 triệu đồng cho các thành viên vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế gia đình. Với phương châm “còn sức còn làm, còn tỏa sáng”, từ nguồn vốn vay này rất nhiều mô hình kinh tế của người cao tuổi đã mang lại hiệu quả cao. Chẳng hạn như mô hình rau sạch của ông Trần Văn Chừng. Trên diện tích 360 mét vuông ông trồng các loại rau, củ quả sạch quanh năm kết hợp với nuôi chim bồ câu mang lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.

Trước kia gia đình ông Nguyễn Viết Xương thuộc hộ cận nghèo. Dù bươn chải làm đủ nghề nhưng kinh tế lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Từ khi tham gia CLB liên thế hệ tự giúp nhau không những ông được tư vấn kiến thức làm kinh tế mà còn được hỗ trợ vay vốn. Từ đó ông mạnh dạn phát triển mô hình VAC. Sau một thời gian ngắn, kinh tế gia đình ông trở nên khá giả hơn. “CLB tạo điều kiện cho tôi vay vốn, từ đó tôi tập trung mua thức ăn cho cá, giúp cá phát triển tốt, chỉ sau 5 tháng tôi đã có thể thu hoạch, hiệu quả kinh tế mang lại cho gia đình tôi tương đối tốt”, ông Xương chia sẻ.

Khi sức khỏe còn tốt, bà Nguyễn Thị Thoa cũng có thể làm những công việc nặng. Nhưng nay khi sức yếu, điều đó là không thể. Tham gia “CLB Liên thế hệ tự giúp nhau” ngoài việc được vay vốn phát triển kinh tế, hàng tháng bà còn được các thành viên trong CLB đến động viên, thăm hỏi, giúp đỡ tăng gia sản xuất. Nhờ vậy mà giờ đây bà có một công việc nhẹ nhàng và cuộc sống ổn định hơn - điều mà bà mong ước bấy lâu nay. “Lúc trẻ ai mướn gì làm cái ấy, cố gắng có chút thu nhập để sửa mái nhà, nhưng cố mãi mà cũng chả được. Thấy hoàn cảnh neo đơn, các chị em trong CLB cũng giúp đỡ cho vay vốn, cấy thêm sào ruộng, từ đó điều kiện sinh gia đình đỡ hơn 1 chút”, bà Thoa phấn khởi.

Ông Nguyễn Văn Hưng – Chủ nhiệm CLB cho biết từ ngày thành lập đến nay, việc quản lý, khai thác cũng như sử dụng nguồn vốn, quỹ ban đầu và các trang thiết bị được cấp của “CLB Liên thế hệ tự giúp nhau” luôn được thực hiện chặt chẽ, công khai, minh bạch, dân chủ, hiệu quả và đúng quy định. Để nguồn vốn phát huy tối đa hiệu quả, ban chủ nhiệm đã làm tốt công tác giám sát, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, đối tượng, không có nợ xấu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hoạt động của “CLB Liên thế hệ tự giúp nhau” đã và đang mang lại ý nghĩa to lớn cho người cao tuổi nhất là với người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có thêm những niềm vui trong cuộc sống./.

Mời nghe bài viết tại đây: