Mới chỉ hơn một tháng bước vào năm học mới nhưng đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường khiến dư luận không khỏi bức xúc. Điều đáng lo ngại là bạo lực học đường không chỉ xảy ra khá phổ biến mà tính chất côn đồ, hung hãn của đối tượng cũng ngày càng gia tăng. Nếu như không ngăn chặn kịp thời thì con đường đi tới tội phạm vị thành niên là rất mong manh.
Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà cho rằng có rất nhiều lý do để bạo lực học đường gia tăng nhưng một trong những lý do chính ở đây là khi các em ở lứa tuổi đang phát triển, việc thể hiện hình ảnh bản thân là rất quan trọng với các em, nhiều khi không phân biệt được đúng-sai, ngầu một chút, thể hiện cái tôi một chút, “anh chị” một chút... thì cũng có thể đấy là con đường dẫn đến bạo lực học đường hiện nay.
Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, nước ta đang là một trong những nước đứng đầu về bạo lực học đường. Còn theo một thống kê khác của Bộ Giáo dục và đào tạo cho thấy, cứ khoảng 5.000 học sinh thì lại có 1 vụ đánh nhau và khoảng 11.000 học sinh lại có một em phải nghỉ học vì đánh nhau. Tuy nhiên con số này chưa phản ánh được đúng thực tế vì nhiều em bị bạo lực học đường từ những tin nhắn hay từ những lời nói mỉa mai, xúc phạm.
Những vụ bạo lực học đường xảy ra, dù dưới hình thức nào cũng sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng đối với các em. Theo chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà thì hậu quả trước mắt là các em có thể buông xuôi, cảm thấy chán nản và không có niềm tin vào cuộc sống nhưng hậu quả lâu dài mới là vô cùng nghiêm trọng, tác động trực tiếp tới quá trình trưởng thành, phát triển của các em.
Đối với những vụ xích mích xảy ra giữa các em học sinh, nhiều phụ huynh nghĩ rằng “thôi kệ con thôi, cứ để chúng va chạm sau này ra đời thì sẽ trở nên cứng rắn hơn, mạnh mẽ hơn”; hoặc là “chuyện bọn trẻ - để bọn trẻ tự giải quyết”… Nhưng sau khi xem các đoạn video clip về vụ học sinh đánh hội đồng thời gian qua, có thể thấy đó không chỉ đơn thuần là chuyện va chạm, xích mích, giữa con trẻ… “Chúng ta phải đảm nhận vai trò, trách nhiệm làm cha mẹ trước đã mà trước hết là phải dạy các con các kỹ năng. Kỹ năng đầu tiên và những giá trị sống đầu tiên ở đây đó là không có bạo lực, bởi vì bạo lực sẽ sinh ra bạo lực và nếu như chúng ta giải quyết bằng bạo lực thì mâu thuẫn không bao giờ giải quyết được. Ngay kể cả những bố mẹ có con gây ra bạo lực thì chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận đây là một phần lỗi và trách nhiệm của bố mẹ”, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà lưu ý.
Nếu như trước đây, chúng ta thường chỉ thấy những vụ ẩu đả của nam sinh, thì nay ngày càng nhiều những vụ bạo lực, thậm chí là “tra tấn học đường” của các nữ sinh. Thậm chí có không ít vụ còn khiến nhiều người phải rùng mình vì tính chất côn đồ, dã man - điều mà lẽ ra không nên và không được phép có ở học sinh lứa tuổi còn nhỏ. Những hành vi bạo lực học đường không chỉ đơn thuần là những va chạm, mâu thuẫn giữa bạn bè như phụ huynh hay nghĩ mà nhiều hành vi đã cấu thành tội phạm. Nếu như chúng ta không có những can thiệp kịp thời, để hành vi bạo lực lặp đi lặp lại nó sẽ trở thành một thói quen, lâu dần sẽ trở thành lối sống và khi đã là lối sống rồi thì rất khó để thay đổi.
Bạo lực học đường thời gian gần đây xuất hiện với tần suất dày hơn và bộc lộ tính chất nguy hiểm, nghiêm trọng hơn. Theo một số liệu của Bộ Giáo dục và đào tạo, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học, cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau, cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau, và 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau… Những con số này đã khiến các bậc phụ huynh vô cùng ám ảnh, lo lắng khi con em mình đến trường. Chính vì thế, mỗi chúng ta phải nói không với bạo lực học đường và phải học những kỹ năng để phát triển bản thân, để giải quyết các vấn đề xung đột. Và bố mẹ sẽ phải là những người đồng hành cùng con trong hành trình này.
Từ bạo lực học đường đến tội phạm vị thành niên là khoảng cách không xa. Chính vì thế, cần nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và giáo dục nhận thức, kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử cho học sinh để ngăn chặn những hành vi bạo lực, hạn chế tội phạm vị thành niên.
Mời nghe cuộc trao đổi tại đây: