"Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn" năm 2022 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động nhằm cổ vũ, khuyến khích, định hướng và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế khu vực nông thôn của thanh niên và tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; phát huy vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế, tham gia cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Đồng chí Vũ Minh Thảo, Uỷ viên BCH, Phó trưởng Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn cho biết: Đối tượng tham gia cuộc thi là thanh niên nông thôn Việt Nam từ 18 - 35 tuổi. Chỉ trong vòng vài tháng kể từ khi phát động cuộc thi (kể từ ngày 27/4/2022), đã có 358 hồ sơ dự án tham gia dự thi từ 62 tỉnh, thành Đoàn trên toàn quốc, trong đó có 57 dự án do thanh niên thuộc 14 dân tộc thiểu số đăng ký tham gia. Sau vòng Bán kết theo 03 khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam từ ngày 06/10 - 08/10/2022, Ban Tổ chức đã chọn từ ra 31 dự án lọt vào vòng Chung kết Cuộc thi.

Theo thống kê của Ban Tổ chức cuộc thi, số lượng tỉnh, thành Đoàn gửi hồ sơ tham dự tăng 8% so với năm 2021. Đặc biệt, một số tỉnh, thành Đoàn có số lượng bài tham gia lớn là Trà Vinh (23 bài), Đồng Tháp (19 bài), Tây Ninh (19 bài), Lâm Đồng (15 bài), An Giang (14 bài). Nội dung các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp liên quan đến phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát huy tài nguyên bản địa thông qua trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp, công nghiệp bảo quản, chế biến, làng nghề, thiết bị nông nghiệp; bảo vệ môi trường bằng ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và tận dụng tài nguyên bản địa; bảo tồn văn hóa dân tộc thông qua phát triển ngành nghề, sản phẩm truyền thống, khai thác du lịch cộng đồng...

Chị Tống Thị Hoài Phương, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc với dự án "Nâng cao giá trị nông sản vua hạt đất Tây Nguyên" (1 trong 31 dự án lọt vào vòng Chung kết) chia sẻ: khởi nghiệp với kinh doanh tinh dầu từ năm 2018, hiện nay, HTX Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ tinh dầu và dược liệu Hena đang liên kết với các tỉnh thành trên cả nước, hình thành vùng trồng các nguyên liệu như: hương nhu, sả, sa chi, mắc ca… để điều chế tinh dầu. Các sản phẩm tinh dầu ép lạnh từ hạt mắc ca, sa chi do cơ sở sản xuất đã xuất khẩu đi Malaysia, Đài Loan với sản lượng đáng kể. Năm 2021, dự án “Sản xuất khép kín các loại tinh dầu” của chị Tống Thị Hoài Phương đã đoạt giải Nhì tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đắc Lắc tổ chức.​

Ông Phạm Hải Quỳnh, thành viên Ban Giám khảo cuộc thi đánh giá: Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn là một sân chơi vô cùng bổ ích và ý nghĩa, giúp cho thanh niên phát triển kinh tế, làm giàu bằng chính năng lực, bản lĩnh của họ. Các dự án lọt vào vòng Chung kết đều có chất lượng tốt, đa dạng và đáp ứng được tiêu chí của Cuộc thi.

Thông qua cuộc thi, Trung ương Đoàn hy vọng nhiều dự án khởi nghiệp của thanh niên được các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm, hỗ trợ để có những bước phát triển vượt bậc hơn. Từ đó tạo sự chuyển biến tích cực về tư duy và hành động của thế hệ trẻ về khát vọng làm giàu từ nông nghiệp, chuyển đổi số nông nghiệp và kinh tế nông nghiệp xanh vì sự phát triển bền vững.

Đêm Chung kết cuộc thi, Ban tổ chức sẽ trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 3 giải Khuyến khích. Ngoài ra, các dự án đủ điều kiện quy định cũng cũng sẽ được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm với mức tối đa 1 tỷ đồng.