Thời gian qua, cả nước xảy ra nhiều vụ án mạng nghiêm trọng mà nguyên nhân xuất phát từ ghen tuông, yêu đương mù quáng đã khiến dư luận không khỏi lo lắng, đồng thời gióng lên hồi chuông báo động về lối suy nghĩ lệch lạc dẫn đến hành vi bạo lực.

Ngày 11/8/2022, một người phụ nữ bị sát hại ngay trên phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nghi phạm là Mai Xuân Thái (40 tuổi, ở phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng) được xác định gây án vì ghen tuông do có quan hệ tình cảm với nạn nhân trước đó.

Ngày 19/9, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Long Thành, Đồng Nai đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Thái Xuân Bình (34 tuổi, ngụ ấp 5, xã Tam An) để điều tra về hành vi "cố ý gây thương tích". Theo điều tra ban đầu, sau khi nghe vợ thừa nhận có quan hệ tình cảm với người khác, Bình đã vào bếp lấy dao quay ra chém nhiều nhát khiến hai cánh tay của vợ bị đứt lìa.

Mới đây nhất, ngày 24/10, liên tiếp xảy ra những vụ án giết người với tính chất man rợ tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hải Phòng, mà nguyên nhân điều tra ban đầu được xác định đều do ghen tuông…

Theo chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình, những vụ án mạng liên quan đến ngoại tình, ghen tuông không chỉ xảy ra ở các đôi tình nhân mà còn xảy ra trong các gia đình vợ chồng chung sống nhiều năm. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những xung đột về phương diện cá nhân con người với nhau từ rất lâu, nó tích tụ, âm ỉ và chỉ chờ một cú huých là bùng phát. "Trong tình trạng bùng phát mất kiểm soát, người ta đã không còn đủ khả năng chịu đựng, mất đi lý trí, không nhận biết được đâu là người thân, đâu là người mà họ yêu thương. Lúc bấy giờ họ hành động chỉ nhằm thỏa mãn sự thù tức, cuồng nộ của bản thân nên đã gây thương tích nặng nề, thậm chí tước đi mạng sống của người khác. Bên cạnh đó, mạng xã hội với đầy rẫy những thông tin, clip cướp, giết mỗi ngày cũng khiến cho nhiều người bị tiêm nhiễm những hành vi bạo lực, nhất là giới trẻ - những người đang trong độ tuổi thích thể hiện bản thân mà chưa đủ bản lĩnh để kiểm soát hành vi của mình".

Còn theo chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà, nguyên nhân dẫn đến những vụ thảm án xuất phát từ ghen tuông, ngoại tình một phần do cuộc sống quá nhanh, quá gấp gáp, con người ít có thời gian để chia sẻ, để cân bằng, thấu hiểu lẫn nhau. "Dựa trên những yếu tố về mặt cảm xúc thì con người trở nên rất dễ mất kiểm soát khi bị stress hay bị quá áp lực. Hoặc con người có lối sống gần như tự do về bản năng thì rất khó kiểm soát cảm xúc của mình. Và khi đó rất dễ dẫn đến những xung đột, đỉnh điểm có thể là giết người, thảm sát cả một gia đình", chuyên gia Phạm Mạnh Hà phân tích.

Chỉ vì mâu thuẫn tình ái, nghi ngờ ghen tuông… những nhát dao của kẻ sát nhân không chỉ cướp đi sinh mạng của người khác mà còn là nhát dao chí mạng đối với chính người thân của hung thủ. Chỉ vì thỏa mãn cơn tức giận nhất thời của bản thân mà họ không hề nghĩ đến cha mẹ, người thân sẽ sống tiếp như thế nào khi mang nặng mặc cảm là thân nhân của kẻ giết người.

Qua đây cũng cho thấy gốc rễ của vấn đề chính là sự xuống cấp về đạo đức trong xã hội, sự buông lỏng trong giáo dục, thiếu quan tâm của gia đình dẫn đến một bộ phận, đặc biệt là giới trẻ hiện nay có suy nghĩ, lối sống lệch lạc, có mối quan hệ buông tuồng trái đạo đức.

Nhằm ngăn chặn các vụ việc đau lòng tương tự, theo ông Bình, vai trò giáo dục của gia đình, nhà trường là vô cùng cần thiết. "Đây là câu chuyện của tất cả chúng ta, của mỗi gia đình, của toàn xã hội chứ không phải của riêng một cá nhân nào, không ai có thể đứng ngoài cuộc. Cần quan tâm để nhắc nhở, giúp đỡ những người có thể "xuất kỳ bất ý" mà lầm lạc, dẫn đến những câu chuyện đau lòng".

Những vụ thảm án xuất phát từ ghen tuông mù quáng sẽ là bài học nhắc nhở mọi người cần thận trọng trong các mối quan hệ tình cảm. Khi xảy ra mâu thuẫn, ghen tuông, cần bình tĩnh tìm cách hóa giải, tuyệt đối không được dùng vũ lực để giải quyết vấn đề, dẫn đến vi phạm pháp luật. Bởi một khi để sự ghen tuông mù quáng lấn át lý trí thì hậu quả sẽ khôn lường – ghen tuông sẽ biến thành tội ác.

Mời nghe âm thanh tại đây: