Nhằm nâng cao nhận thức pháp luật và trợ giúp pháp lý về lao động, việc làm, thực thi thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế, giáo dục cho người khuyết tật, sáng nay (12/10), Hội Người mù Việt Nam tổ chức hội thảo “Đóng góp ý kiến bổ sung, sửa đổi chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, lao động và việc làm đối với người khuyết tật”. Sự kiện có sự tham gia của các đại diện các cơ quan chức năng như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quốc gia Người khuyết tật Việt Nam, Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam và Hội Người mù các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tại đây, các đại biểu đều khẳng định Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, thể hiện rõ sự quan tâm đối với người khuyết tật. Tuy nhiên, hiện nay nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn, cản trở cơ hội học nghề, tiếp cận việc làm của người khuyết tật. “Hoạt động dạy nghề của chúng tôi vô cùng khó khăn vì theo quy định ở làng nghề, muốn truyền dạy nghề phải có nghệ nhân. Nhưng với nghề đan chổi của người mù thì làm gì có nghệ nhân. Đây là bất cập, cản trở hoạt động dạy nghề của chúng tôi”, bà Chu Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội Người mù thành phố Hà Nội nêu ví dụ.

Tham dự hội thảo, ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam cũng cho rằng, nhiều quy định về giáo dục nghề nghiệp đối với người khuyết tật không còn phù hợp. “Số lượng người khuyết tật được đào tạo nghề những năm gần đây rất hạn chế. Có một phần nguyên nhân là do người khuyết tật và các cơ sở dạy nghề khó tiếp cận các nguồn lực về dạy nghề cho đối tượng này.

Từ thực tế triển khai công tác dạy nghề cho người khuyết tật, ông Trần Bá Quang, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng nêu vướng mắc về quy định “lớp dạy nghề phải đủ số học viên”: “Để có đủ số người theo quy định hiện tại thì tại địa phương chúng tôi không thể mở được lớp dạy nghề. Lý do là vì số người khiếm thị không nhiều, sống rải rác”.

Đại diện cho những người khiếm thính, ông Đỗ Hoàng Thái Anh, Chủ tịch Hội Người Điếc Hà Nội cũng nêu một số điểm còn bất cập trong chính sách đào tạo nghề hiện nay. “Ở Đông Nam Á và một số nước, chính sách của họ có hỗ trợ về phiên dịch cho người điếc học nghề. Còn ở nước ta chưa có. Điều này làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp của người điếc, là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ người điếc có việc làm chưa cao. Chúng tôi mong Nhà nước quan tâm hơn, tạo điều kiện về phiên dịch cho người điếc, đào tạo ra các phiên dịch viên cho người điếc,” ông Đỗ Hoàng Thái Anh bày tỏ.

Đề cập tỷ lệ người khuyết tật có việc làm hiện chỉ đạt 35,63%, bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam cũng cho rằng, nguyên nhân một phần từ những quy định pháp luật hiện hành. “Trước đây, Bộ Luật Lao động, rồi Nghị định 81 có nội dung quy định bắt buộc các doanh nghiệp nhận từ 2-3% lao động là người khuyết tật. Nhưng từ khi ban hành Luật Người khuyết tật thì không còn bắt buộc nữa mà chuyển sang khuyến khích các doanh nghiệp. Qua đánh giá, tôi thấy, nếu chỉ là khuyến khích thì rất ít doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm. Điểm này chúng ta cần bàn lại”, bà Thụy nêu quan điểm.