Việt Nam đã 8 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia theo mô hình tháp giảm nghèo, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước từng giai đoạn. Việt Nam cũng là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Ngân sách nhà nước và nguồn lực huy động từ xã hội đầu tư cho công tác giảm nghèo ngày càng tăng.

Đối với Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 tổng nguồn vốn thực hiện tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách Trung ương là 48.000 tỷ đồng; Vốn ngân sách địa phương là 12.690 tỷ đồng; huy động hợp pháp khác: 14.310 tỷ đồng.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo và tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm. Để thực hiện mục tiêu này, các chính sách giảm nghèo liên tục được điều chỉnh, bổ sung để hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã có Công văn số 2113/LĐTBXH-VPQGGN đốc thúc các địa phương đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Đây cũng là thời điểm các địa phương cần phải quán triệt hơn nữa Chỉ thị số: 05 năm 2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững năm 2030. Chỉ thị 05 yêu cầu các cấp ủy Đảng tập trung chỉ lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác này. Với mục tiêu đề ra rất rõ ràng “tỉ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm”; phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.

Nhân Tháng cao điểm “Vì người nghèo” (từ ngày 17/10 đến 18/11/2023), Phóng viên VOV2 có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Đào, Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) về những kết quả đạt được cũng như các giải pháp cần tăng cường trong thời gian tới để đạt được các mục tiêu đề ra trong chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

PV: Thưa ông Phạm Hồng Đào, chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 đã đi được hơn nửa chặng đường. Đến thời điểm này, đâu là những kết quả nổi bật được ghi nhận trong chương trình?

Ông Phạm Hồng Đào: Qua một thời gian rất ngắn, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cũng như Thủ tướng Chính phủ, chương trình bước đầu đã triển khai thực hiện đạt được những kết quả nhất định, góp phần vào mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao, tức là: Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 1 đến 1,5%. Những kết quả nổi bật nhất của chương trình, ban đầu là hệ thống văn bản được ban hành tương đối đầy đủ. Thứ hai, là vốn phân bổ cho các địa phương thì cũng đã được Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội phê duyệt vàThủ tướng Chính phủ cũng đã giao dự toán cho các địa phương triển khai. Thứ ba là truyền thông nhận thức giảm nghèo cũng được đẩy mạnh, góp phần thay đổi tư duy về nghèo, những cách thức làm về giảm nghèo. Cùng đó là công tác thanh tra, kiểm tra cũng đã được quan tâm và sát sao hơn. Cụ thể, Quốc hội đã có Đoàn giám sát tối cao để giám sát cả 3 Chương trình mục tiêu gia. Theo tôi nghĩ đó là những kết quả nổi bật nhất của chương trình. Bên cạnh các chính sách giảm nghèo thường xuyên thì Chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần đạt được các mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ giao. Đấy là tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1 đến 1,5%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 4%/năm. Đấy là các chỉ tiêu tổng hợp, vì để đo được các chỉ tiêu tổng hợp này thì chúng ta phải căn cứ theo các tiêu chí thiếu hụt, các chiều thiếu hụt về: Y tế, về giáo dục, về việc làm, về nước sạch, vệ sinh môi trường và tiếp cận thông tin. Đó là các chỉ tiêu tổng hợp, và chỉ cần nói chỉ tiêu tổng hợp đó đã thể hiện rất nhiều ý nghĩa rồi

PV: Đối với các hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo thì được tham gia, tiếp cận chương trình như thế nào và có sự thay đổi ra sao trong thời gian vừa qua?

Ông Phạm Hồng Đào: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo được thiết kế thành 7 dự án, kết cấu thành 2 dự án và 11 tiểu dự án. Trong đó, hướng tới đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng yếu thế khác, thì đây là các đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ chương trình này. Qua thời gian triển khai, thì hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác thuộc chương trình đã được tham gia tiếp cận các dự án hỗ trợ về sinh kế, hỗ trợ về việc làm để thông tin về nước sạch vệ sinh môi trường cũng như hỗ trợ về nhà ở, đặc biệt là hỗ trợ về nhà ở, tôi cho đây là rất quan trọng, giúp người dân sẽ yên tâm hơn để chăm lo cho cuộc sống của mình tốt hơn.

PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình đang phải đối mặt với những khó khăn nào trong công tác giảm nghèo, thưa ông?

Ông Phạm Hồng Đào: Khó khăn, thách thức đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo thì có phần khách quan và cả chủ quan nữa. Khách quan là người dân rất dễ rơi vào tình trạng tái nghèo, tức giảm nghèo không bền vững, do là các nguyên nhân bất khả kháng như: Thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, thì đấy là những việc rất khó. Còn phần chủ quan thì chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được. Đó là chúng ta sẽ phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách, tiếp tục phải huy động các nguồn lực xã hội, tiếp tục nâng cao năng lực của các cán bộ để thực thi các chính sách giảm nghèo, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giảm nghèo, rồi tiếp tục phải thanh tra, kiểm tra định hướng để chính sách giảm nghèo đi đúng, đạt được mục tiêu và không để ai bị bỏ lại phía sau

PV: Thưa ông, những huyện nghèo, xã nghèo, vùng nghèo hay nói cách khác là vùng lõi nghèo, những xã, bãi ngang ven biển sẽ tiếp tục được quan tâm như thế nào trong những năm tới?

Ông Phạm Hồng Đào: Theo Chỉ thị 05 của Ban bí thư, đến giai đoạn 2030 thì chúng ta sẽ không còn các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển nữa và Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 thì cũng đặt ra mục tiêu là tối thiểu đến năm 2025 thì ít nhất 30% huyện nghèo 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển thoát khỏi tình trạng nghèo, tình trạng đặc biệt khó khăn. Và chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để có thể đưa ra các giải pháp xóa bỏ hoàn toàn theo đúng Chỉ thị 05 của Ban Bí thư.

PV: Về nguồn lực đầu tư cho chương trình này trong những năm cuối sẽ được thiết kế và huy động như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Hồng Đào: Nguồn lực thực hiện chương trình thì đã được xác định khi mà chúng ta xây dựng chương trình. Theo đó, nguồn vốn Trung ương là 48.000 tỷ thì đã được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội phê duyệt nguồn vốn đầu tư và đồng thời cũng đảm bảo nguồn vốn sự nghiệp sẽ được đáp ứng, đảm bảo 28.000 tỷ trong giai đoạn còn lại. Vì vậy, chúng ta yên tâm là nguồn hỗ trợ của ngân sách Trung ương sẽ đảm bảo cho thực hiện chương trình đúng mục tiêu, đúng nhiệm vụ, đúng nội dung. Bên cạnh đó, thì chương trình là giao cho các địa phương chủ động các nguồn lực để đối ứng, nguồn thực hiện các dự án, tiểu dự án. Đồng thời, cũng phải huy động các nguồn lực xã hội hóa khác để cả xã hội cùng chung tay vì người nghèo, xóa nghèo bền vững.

PV: Ông đặt niềm tin kỳ vọng như thế nào về khả năng chúng ta sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra trong chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025?

Ông Phạm Hồng Đào: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì cũng đã rất quyết tâm việc này và Ban chỉ đạo thường xuyên họp và đôn đốc hàng tháng họp trực tuyến với các địa phương. Trưởng Ban Chỉ đạo họp và trong năm 2023, chỉ đạo cố gắng đạt được mục tiêu giải ngân ít nhất là 95% vốn của năm 2023 và 100% vốn của năm 2022 chuyển sang. Như vậy, chúng ta có thể yên tâm rằng cùng với sự chỉ đạo và cùng với sự thực hiện thì đến năm 2025 chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu mà chương trình đề ra.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!