Từng là một cổ động viên bóng đá cuồng nhiệt, Phạm Văn Tú ở quận Hoàng Mai, Hà Nội có thể nhớ tên của từng đội bóng và từng cầu thủ nổi tiếng. Em đã ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá ngay từ khi còn rất nhỏ. Nhưng thật đáng tiếc chàng trai này đã không thực hiện được mong ước ấy vì bệnh tâm thần phân liệt – một chứng loạn thần rất nặng.

Từ khi con bị bệnh, cuộc sống của gia đình chị Nguyễn Thị Duyên ở Hoàng Mai, Hà Nội như đảo lộn. Tất cả đều tập trung, dồn hết mọi sự lo toan cho cậu con trai. Với anh chị sẽ chẳng có nỗi buồn nào hơn là đứa con mình đứt ruột đẻ ra lại măc chứng bệnh này. “Càng lớn con càng có những biểu hiện không bình thường, mỗi sáng nó phá hết các đồ trên lớp, 8 giờ đi đến lớp thì 10 giờ cô giáo lại dắt trả về, năm 12 tuổi thì cô giáo không bảo được nữa nên cho nghỉ, về thì không có chỗ nào để gửi, những lúc ban ngày thì mình có thể trông được, nhưng đêm thì rất khó” – chị Duyên trải lòng.

Nhiều năm qua, vợ chồng chị Duyên cũng đưa con đi chạy chữa ở nhiều nơi nhưng các bác sỹ cho biết tuy biểu hiện của cháu là khá nặng nhưng vẫn chưa tới mức phải nhập viện để điều trị. Vì vậy, vợ chồng chị phải phân chia thời gian để túc trực, trông chừng nhưng nhiều khi vẫn không thể tránh khỏi những tình huống nguy hiểm mà con trai gây ra cho gia đình và những người xung quanh. “Sáng cả nhà đi làm thì nó ngủ đến 10 – 12 giờ, buổi trưa thì nó mặc quần áo đi chơi, ngăn thế nào cũng không được, nó lên xe buýt đi khắp mọi nơi, cứ 15 phút lại gọi điện dặn nó con đừng trêu ai nhưng nó vẫn xảy ra. Có hôm đi gần về đến nhà, có thằng bé đứng gần cổng, không biết là nó bực tức gì mà nó cầm thằng bé lia vào nhà người ta, có lần thì tát bà hàng xóm, có lần thì nó nhảy xuống giếng, trèo lên mái nhà, rồi nghịch điện giật, nước sôi …” - chị Duyên nhớ lại.

Dù gia đình chị Duyên cũng ý thức được việc con mình thần kinh không bình thường, rất có thể gây nguy hiểm cho những người xung quanh hoặc cho chính bản thân nhưng cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc để cháu sinh sống cùng gia đình. Vì vậy, chị mong muốn có nhiều trung tâm hơn để con chị được chăm sóc và điều trị bệnh tránh nguy hiểm cho gia đình và xã hội.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cả nước có khoảng 15% dân số mắc bệnh tâm thần, trong đó có hơn 300 nghìn người mắc tâm thần nặng cần được điều trị. Tuy nhiên, chỉ có 15 - 20 % đối tượng tâm thần được quản lý và theo dõi, số còn lại được gia đình quản lý tại nhà. Theo ông Vũ Anh Trí - Giám đốc Trung tâm điều trị người tâm thần số 2, Hà Nội dù đã có những quy định về việc quản lý người tâm thần tại địa phương, song, công tác này còn gặp nhiều khó khăn do hệ thống các văn bản hiện chưa yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần nên nhiều gia đình không muốn đưa người thân của mình vào các trung tâm, bệnh viện chữa trị, thậm chí có biểu hiện che giấu bệnh tật… dẫn tới bệnh nặng hơn. Hơn nữa hiện cũng chưa có chính sách nuôi dưỡng bảo vệ, chăm sóc lâu dài đối với người bị bệnh tâm thần nên rất khó khăn cho công tác quản lý các đối tượng.

Để người bệnh tâm thần có môi trường điều trị tốt, sớm hồi phục sức khỏe, tái hòa nhập với cộng đồng, người nhà nên để bệnh nhân điều trị hết đợt tại bệnh viện, để các bác sĩ theo dõi bệnh tình, có cách xử lí đối với những trường hợp bệnh nặng. Ngoài ra, môi trường tại bệnh viện cần đảm bảo vệ sinh, tốt cho người bệnh hơn. Bên cạnh đó, gia đình người bệnh cũng cần quan tâm nhiều về mặt tinh thần, không để bệnh nhân bị kích động, nếu chăm sóc tại gia đình, cần làm đúng theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của các bác sĩ, có như vậy thì công tác khám, điều trị bệnh cho người tâm thần mới đạt hiệu quả cao.

Không giống như những bệnh thông thường khác, người mắc bệnh tâm thần nhiều khi không bộc lộ ra bên ngoài, nhưng khi phát bệnh thì lại dễ có hành động không lường trước được. Điều đó cũng đủ cho thấy nổi khổ của những gia đình khi có người bị tâm thần. Không kỳ thị, xa lánh nhưng nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ và theo dõi người tâm thần để họ vừa có thể được điểu trị vừa không gây nguy hiểm cho bản thân và xã hội./.

Mời nghe bài viết tại đây: