Quan tâm hay sự hiếu thắng của cha mẹ?

Vụ việc vợ một nghệ sĩ nổi tiếng đăng lên facebook cá nhân để cảnh báo các bậc phụ huynh nên kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội của con mình.

Cụ thể, chị tâm sự: "Các bác kiểm tra tài khoản Facebook của các con các bác đi. Ối thứ bất ngờ. Em cho out hết, 2 con điện thoại cũng cho nát. Rất nhiều thành phần xấu lôi kéo con vào nhóm xấu".

"Bạn bè tôi cũng kiểm tra điện thoại của con mình ngay sau đó, riêng tôi thì không" - chị Hoàng Tâm ở quận Đống Đa, Hà Nội đáp lại lời cảnh báo của người phụ huynh nọ. "Tôi không thích trở thành bà mẹ rình mò thế giới riêng của con".

Thạc sĩ Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) cho biết một nghiên cứu chỉ ra: Độ tuổi trung bình mà trẻ có thể tò mò và tiếp cận các ấn phẩm khiêu dâm là từ 11 tuổi. Nếu trẻ bắt đầu tò mò sớm hơn, độ tuổi 9 đến 10 chẳng hạn thì phụ huynh hãy chấp nhận sự thật đó. Quan trọng là bố mẹ đối diện như thế nào.

Th.s Phương Linh cũng không đồng tình với cách làm của người mẹ khi "bóc phốt" con lên mạng xã hội. "Bởi ngoài cái việc có thể vi phạm quyền trẻ em thì không giải quyết được gì cả".

Quan tâm con cái là trách nhiệm của phụ huynh, nhưng việc đập điện thoại, không cho con dùng mạng xã hội hay cấm con là sự kiểm soát có thể tạo ra tác dụng ngược.

"Em bé khó đồng tình với hành vi của người mẹ. Bởi các con đã có tự trọng, biết giá trị bản thân. Nếu bị phơi bày, con sẽ tổn thương không chỉ thời điểm hiện tại mà niềm tin của con vào cha mẹ trong tương lai cũng bị ảnh hưởng. Con có thể bị kỳ thị, xa lánh. Mạng xã hội là ảo, tổn thương là có thật" - Bà Lê Thị Tình Tuyết, chuyên gia tâm lý, giám đốc trung tâm Kỹ năng sống, trường Mầm non Capokids cho biết.

Mọi việc ngỡ như chỉ ồn ào một ngày trên mạng xã hội thì người mẹ này lại tiếp tục đăng video cậu con trai khóc lóc, xin lỗi và xin hứa với bố mẹ.

"Người mẹ này đang cố bảo vệ luận điểm "giáo dục con" nhưng chị ấy không biết rằng chị đang tỏ ra thắng thua với xã hội và cộng đồng mạng" - một người dùng mạng xã hội bày tỏ.

Thay vì rình mò, hãy làm bạn với con

Lý giải về hiện tượng tại sao trẻ lại truy cập vào các nhóm hoặc link ảnh/ phim khiêu dâm, chuyên gia Nguyễn Phương Linh cho rằng trẻ ở độ tuổi tò mò và mạng Internet thì tràn lan quá nhiều ấn phẩm cả tốt và không tốt.

"Do con tự tìm kiếm hoặc bạn bè gửi cho con. Con có thể bị lôi kéo hoặc do quảng cáo hiện lên...Nó khác với thế hệ của chúng ta những ấn phẩm đó được truyền tay nhau, còn bây giờ là những đường link. Nhưng chung quy lại, điều này không bất thường. Chúng ta cũng đã từng tò mò như thế".

Còn chuyên gia tâm lý Tình Tuyết thì cho rằng khi bố mẹ bắt gặp con xem ảnh/ phim có hình ảnh hở hang, khiêu dâm thì hãy nghĩ đó là dấu hiệu cho thấy con đã lớn và kiến thức ta cung cấp cho con không đủ.

"Khi không thỏa mãn chúng sẽ tìm kiếm đến các nguồn khác. Bố mẹ không biết rằng chỉ cần gõ trên google cụm từ "tuổi dậy thì" công cụ tìm kiếm đã đưa các con đến những trang 18+. Con sẽ click vào. Như vậy xuất phát ban đầu đâu phải các con tìm phim đó" - bà Tuyết phân tích.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Tình Tuyết kể câu chuyện, một phụ huynh đã tìm đến chị khi con mới học lớp 5 đã xem phim sex. Người mẹ than vãn "Làm mẹ khó quá". “Chúng ta có quá nhiều áp lực từ công việc, sự nghiệp, tài chính, các mối quan hệ xã hội và nhất là con cái ở tuổi tiền dậy thì và dậy thì. Chúng ta không được dạy cách làm bố mẹ. Lớp dạy nuôi con thì nhiều mà lớp dạy làm bố/ mẹ thì ít. Và vì thế chúng ta mày mò hoặc nghe theo kinh nghiệm của người khác"- chuyên gia này phân tích.

Theo các chuyên gia, khi con gặp vấn đề, cách xử lý không phải là làm um lên hay cấm đoán. Hiện nay, bố mẹ đã quan tâm con cái nhiều hơn nhưng chưa phù hợp. Chúng ta trang bị kỹ năng, kiến thức cho con sớm hơn chứ đừng đợi khi đã xảy ra hậu quả mới cuống lên.

"Cái chúng ta làm được sớm nhất là hình thành thói quen hàng ngày, hàng tuần nói chuyện, chia sẻ với con, tạo cho trẻ cảm giác tin cậy. Bố mẹ hãy tự chia sẻ trước với con và con cũng thả lòng để kể với bố mẹ chuyện hàng ngày, suy nghĩ của con và các mối quan hệ bạn bè ở trường lớp, chứ không phải đặt câu hỏi theo kiểu moi thông tin của con"- chuyên gia Tình Tuyết nhấn mạnh./.

Nghe cuộc trao đổi của chuyên gia Lê Thị Tình Tuyết tại đây: