Trong bối cảnh nhiều địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ, để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và doanh nghiệp làm thủ tục xác nhận tham gia Bảo hiểm xã hội để nhận hỗ trợ từ gói an sinh lần 2 theo Nghị quyết 68, BHXH Việt Nam đã ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào việc nhận và giải quyết trực tuyến những thủ tục này. Người lao động và doanh nghiệp có thể ngồi nhà hoàn thiện các thủ tục mà không phải đến cơ quan Bảo hiểm Xã hội.

Theo đó Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp 6 dịch vụ công của gói an sinh lần 2 trên Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam địa chỉ (dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn) gồm: Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại lao động để duy trì việc làm; hỗ trợ lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương; hỗ trợ lao động ngừng việc; hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để trả lương; giải quyết giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng đã đưa toàn bộ 5 dịch vụ công mức độ 4 lên cổng dịch vụ công quốc gia, đây là số dịch vụ tối đa được cung cấp để cho người lao động cũng như người sử dụng lao động có thể tiếp cận nhanh nhất, thuận tiện nhất và thụ hưởng được chính sách theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23. Để sử dụng các dịch vụ này, người lao động và doanh nghiệp đăng nhập Cổng dịch vụ công quốc gia, tới mục “Hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19” và làm theo hướng dẫn. Sau khi hoàn thành kê khai và nộp hồ sơ trực tuyến, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ chuyển dữ liệu đến cơ quan Bảo hiểm xã hội xác nhận. Sau đó Bảo hiểm xã hội gửi lại xác nhận để Cổng dịch vụ công quốc gia chuyển hồ sơ trực tuyến đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và trả kết quả.

“Chúng tôi đảm bảo rằng việc xác thực hồ sơ chỉ thực hiện tối đa trong 1 ngày. Có những nơi từ lúc nhận hồ sơ đến lúc trả hồ sơ chỉ trong vòng nửa giờ”, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định.

Ngoài các giải pháp trên, thời gian qua, BHXH Việt Nam cũng tích cực phối hợp các bộ ngành, địa phương trong phòng chống dịch COVID-19. Đặc biệt cơ quan BHXH đã chủ động chia sẻ dữ liệu bảo hiểm để các địa phương sử dụng vào công tác lập danh sách xét nghiệm, danh sách tiêm chủng vắc-xin, xác định thông tin bệnh nền, theo dõi, truy vết nhanh bệnh nhân F0; khoanh vùng, dập dịch tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đơn vị sử dụng lao động...

Lãnh đạo BHXH Việt Nam khẳng định, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục gói an sinh lần 2 góp phần đưa chính sách nhanh nhất tới người thụ hưởng. Đồng thời, cách làm này cũng đảm bảo công khai, minh bạch, đúng người, không trùng lặp và ngăn trục lợi chính sách. Việc làm thủ tục trực tuyến cũng giúp giảm việc đi lại, tiếp xúc của người dân, DN với cơ quan BHXH, qua đó hạn chế khả năng lây lan dịch bệnh.

Theo BHXH Việt Nam, đến nay, cơ quan BHXH tại 59/63 địa phương đã xác nhận danh sách hơn 209.400 người lao động của trên 12.200 đơn vị thuộc đối tượng hưởng các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68. Bên cạnh đó, cũng đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 184 doanh nghiệp đang sử dụng trên 23.600 lao động tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất, với số tiền tạm dừng trên 150 tỷ đồng, tại 28 địa phương./.