“Hợp tác xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho nền kinh tế số bao trùm tại Việt Nam”, đó là chủ đề của Diễn đàn đa phương (MSF) 2021.

Diễn đàn năm nay do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Samsung, dưới sự hợp tác kỹ thuật của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam và Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng - LIGHT, cùng phối hợp tổ chức.

Diễn đàn Đa phương (MSF) là sáng kiến của Samsung Việt Nam, bắt đầu được tổ chức thường niên tại Việt Nam từ năm 2018, nhằm kết nối tri thức, nhiệt huyết, nguồn lực và năng lượng của tất cả các bên liên quan, gồm cơ quan hoạch định chính sách, các tổ chức Phi chính phủ, tổ chức xã hội, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp. Thông qua sự kiện thường niên này, các tư tưởng, giải pháp, sáng kiến được chia sẻ và thảo luận, từ đó cảm hứng hành động và năng lượng tích cực được lan tỏa, góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng của xã hội Việt Nam một cách hiệu quả.

Tại Diễn đàn đa phương năm nay, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh kinh tế số bao trùm cho phép mọi người lao động và doanh nghiệp đều có thể đóng góp vào quá trình tăng trưởng và hưởng thành quả tăng trưởng đó. Điều này hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của chính phủ Việt Nam đặt ra, mà gần đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, hưởng ứng Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Cũng theo ông Công, với vai trò tổ chức quốc gia đại diện người sử dụng lao động ở Việt Nam, VCCI luôn hợp tác chặt chẽ với các bên trong việc phát triển và thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ tại doanh nghiệp, cũng như giải quyết bài toán lực lượng lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nền kinh tế, bao gồm cả đào tạo kỹ năng cho các nhóm yếu thế như phụ nữ, thanh niên… Đây cũng chính là chủ đề được các đối tác đồng tổ chức bao gồm VCCI, Samsung Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lựa chọn cho Diễn đàn đa phương MSF 2021 năm nay, khẳng định sự cần thiết phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các chủ thể nhằm hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong nền kinh tế số bao trùm, mang lại cả giá trị kinh tế và giá trị nhân văn.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thực sự gõ cửa từng nhà, từng người, từng doanh nghiệp, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. Cùng với đó là sự cộng hưởng tác động của dịch bệnh Covid-19 làm cho khó khăn, thách thức vốn đã nặng nề nay còn nặng nề hơn.

Trong bối cảnh đó, một bài toán được đặt ra đối với người lao động cũng như tổ chức công đoàn đó là muốn vượt qua được thách thức đòi hỏi phải thay đổi tư duy, cách nhìn nhận và thay đổi chính mình, nâng cao trình độ, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp để có thể đáp ứng được yêu cầu cuộc CMCN 4.0 cũng như vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19 gây ra.

Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, trong cuộc CMCN 4.0 và chuyển đổi số, DN giữ vai trò tiên phong với sự dẫn dắt của Nhà nước thông qua các chính sách phù hợp. Người lao động là nhân tố có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, người lao động không thể đứng một mình mà cần sự hợp tác, chung tay của các bên cùng nhìn nhận những vấn đề được đặt ra trong cuộc cách mạng này để cùng đề xuất các chính sách phù hợp cũng như tổ chức triển khai các kế hoạch hành động cụ thể biến mục tiêu thành hiện thực.

"Về phía tổ chức Công đoàn Việt Nam, chúng tôi cam kết nỗ lực cao nhất để tuyên truyền, vận động người lao động tự thay đổi; tiếp tục nâng cao trình độ tay nghề để bảo vệ công việc, việc làm của mình bền vững, nâng cao thu nhập và nâng cao đời sống" - ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Từ góc nhìn của một tập đoàn lớn đã có mặt tại Việt Nam nhiều năm nay, ông Choi JooHo, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam chia sẻ: Cuộc khủng hoảng toàn cầu của Covid-19 trong 2 năm qua không chỉ gây ra những khó khăn to lớn cho nền kinh tế thế giới mà còn đặt ra những thách thức chưa từng có đối với những lợi thế cạnh tranh mà Việt Nam đã tạo dựng được trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Trên chặng đường vượt qua và chiến thắng đại dịch Covid 19, giúp mỗi người nhận thức sâu sắc giá trị của sức khoẻ, của sinh mạng, và một lần nữa triết lý kinh doanh “Con người là trên hết” của Samsung lại được khơi gợi và thúc đẩy”. Ông Choi JooHo nhấn mạnh

Thông qua diễn đàn đa phương 2021, Samsung hy vọng có thể chia sẻ nhiều hơn nữa những hiểu biết đến với các bên liên quan, cùng thảo luận với các bên về cơ hội mới mà Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đã mang lại cho người lao động, đặc biệt là nhóm lao động đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các cơ hội học tập và phát triển, từ đó đóng góp tích cực, hữu ích, cùng chung tay vì một Việt Nam phát triển bền vững.

Đại diện Viện LIGHT, bà Nguyễn Thu Giang khẳng định: Trong mỗi quốc gia, cấu trúc xã hội bao gồm 3 thành phần chính là Nhà nước pháp quyền - Kinh tế thị trường và Tổ chức xã hội. Đó là một “tam giác phát triển” mà mỗi đỉnh của nó đều có vai trò và vị trí nhất định, gắn bó biện chứng với nhau. Nếu giải quyết được mối quan hệ giữa 3 đỉnh “tam giác phát triển” này sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến sự phát triển kinh tế xã hội.

Sự tham gia của các tổ chức xã hội giúp lấp đầy khoảng trống về nâng cao năng lực cho người lao động, đặc biệt là các nhóm kỹ năng nhận thức & kỹ năng xã hội, thúc đẩy và đảm bảo quyền của các nhóm yếu thế, các nhóm lao động khu vực phi chính thức, lao động nhập cư.... Vai trò và sự hiện diện của các Tổ chức xã hội góp phần đảm bảo sự công bằng – bình đẳng và đa dạng trong cách tiếp cận và quá trình thực thi chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ mới tại Việt Nam. Phát triển xã hội, bao gồm quá trình cách mạng công nghiệp 4.0, sẽ không thể thiếu đi hay coi nhẹ vai trò của bất kỳ bên nào.

Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những cơ hội mới, đồng thời cũng đặt ra những thách thức to lớn đối với các quốc gia phát triển và các nước đang bước vào Công nghiệp 4.0 như Việt Nam xét từ góc độ sẵn sàng, khả năng hội nhập và thích ứng của lực lượng lao động. Để hoàn thành tốt mục tiêu của chiến lược quốc gia về nâng cao năng lực người lao động cho Công nghiệp 4.0, các sáng kiến hợp tác đa phương nhằm hỗ trợ lực lượng lao động đáp ứng các yêu cầu nâng cao năng lực trong môi trường doanh nghiệp cũng như ngoài xã hội có ý nghĩa quan trọng.

Trong bối cảnh đó, Diễn đàn đa phương MSF 2021 vừa tiếp nối và mở rộng mạch chủ đề xuyên suốt của chuỗi Diễn đàn đa phương trong suốt 3 năm qua, vừa đóng góp vào việc theo đuổi chiến lược lâu dài mà Việt Nam sẽ cần dốc sức thực hiện trong quá trình tái thiết sau đại dịch COVID-19. Đặc biệt, Diễn đàn lần này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác đa phương trong nâng cao năng lực, bồi dưỡng nhân tài, cải thiện tiếng nói và vị thế cho người lao động trên cơ sở cải thiện tiếp cận bình đẳng tới các cơ hội, nhằm chuẩn bị cho lực lượng lao động thích ứng tốt hơn và đón nhận các cơ hội mới mà cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang mở ra.