Chiều theo yêu cầu của trẻ: Yêu hay hại con?

Mỗi sáng, chị Mai Hoa ở Đông Anh Hà Nội đưa bé lớn lớp 3 đi học, còn ông xã chị - anh Hùng phụ trách đưa cháu nhỏ 3 tuổi đi học mẫu giáo. Thay vì cho con ngồi phía sau như những phụ huynh khác, anh Hùng thường cho bé đứng phía trước mình. Đây là điều chị Mai Hoa rất bức xúc và thường mâu thuẫn với chồng.

“Chở con như thế nguy hiểm lại còn bụi bặm. Nhiều khi ông xã quên cũng chả có dây thắt an toàn gì cả, một tay giữ con, một tay lái xe. Em nói không được, ngang lắm”, chị Hoa bức xúc.

Cho con đứng trên phần để chân của xe ga cũng là thói quen trước đây của bà mẹ trẻ Mai Anh ở Thanh Xuân, Hà Nội. Thế nhưng, do một lần sơ ý, trong lúc dừng xe để nghe điện thoại, bé đã chạm kéo phải tay ga khiến chiếc xe lao thẳng vào tường. Rất may hai mẹ con chỉ bị xây xát nhẹ. Kể từ đó, chị Mai Anh không bao giờ dám cho con đứng phía trước nữa.

Theo thống kê, mỗi năm số vụ tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em dưới 6 tuổi chiếm khoảng 20% tổng số vụ xảy ra trong năm. Nguyên nhân của các vụ tai nạn đều xuất phát từ ý thức chủ quan của người lớn.

Cho trẻ ngồi sau người lớn và sử dụng dây đai: vị trí an toàn nhất

Ngày 21/9 vừa qua, một bé gái 4 tuổi ở Hà Nội được chuyển đến Khoa Cấp cứu và Chống độc Bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng chấn thương ngực kín, dập nhu mô phổi, chấn thương gan và vỡ xương sọ do trẻ bất ngờ vặn tay ga xe máy khi ngồi phía trước. Trước đó, nhiều vụ tai nạn xảy ra với trẻ nhỏ cũng chỉ vì phụ huynh cho con đứng phía trước khi đi xe máy.

Theo chuyên gia bảo vệ và chăm sóc trẻ em - BS. Nguyễn Trọng An, cho trẻ ngồi hay đứng phía trước người lái xe là hết sức nguy hiểm. Khi xảy ra sự cố bất ngờ, trẻ rất dễ bị đập ngực vào tay lái. Nguy hiểm hơn nữa là trẻ chạm vào tay ga khiến xe bất ngờ lao đi dễ gây tai nạn.

Khi cho trẻ nhỏ đi xe máy, tốt nhất là cho bé ngồi giữa hai người lớn. Nếu chỉ có một người, vị trí tốt nhất là cho trẻ ngồi sau người lái và sử dụng dây đai cố định trẻ với người ngồi phía trước. Trẻ đủ tuổi bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm.

Dù trẻ nhỏ có đòi bố mẹ cho đứng phía trước xe máy, tốt nhất không chiều theo ý trẻ. “Đã rất nhiều trường hợp em bé bật chìa khóa, bấm nút, bật ga, xe lao vút đi và nguy hiểm xảy ra. Đó là một sự cảnh báo cực kỳ nguy hiểm cho tất cả những cha mẹ cho trẻ đi xe máy đặt trẻ phía đằng trước lại để chìa khóa lúc đỗ xe”, BS Nguyễn Trọng An nhấn mạnh.

Cách lựa chọn đai đi xe máy cho trẻ nhỏ

Trước khi mua, cần phải kiểm tra thật kỹ sản phẩm từ chốt, khóa an toàn của chiếc đai, khoảng rộng của những vị trí con đặt chân và tay sao cho vừa với bé để tránh hiện tượng bị chật, viền đai bị chà xát làm xước làn da của trẻ.

Lưu ý lựa chọn kích thước đai ngồi sao cho thật vừa vặn với cơ thể của bé. Nên đọc thật kỹ các thông số quan trọng như trọng lượng, trọng tải của đai có trên mác sản phẩm. Nếu như lỡ chọn phải những chiếc đai không vừa với bé thì bạn nên đổi lại ngay, đừng cố sử dụng. Bởi nếu đai không vừa, không chắc chắn thì bé có thể sẽ bị xô nghiêng hoặc bị ngồi lệch trên xe máy gây mất an toàn.

Với một số loại sản phẩm đệm đỡ cổ, phụ huynh phải chú ý khoảng cách an toàn so với mặt bé để phòng tránh được trường hợp nếu bé quay nghiêng hoặc ngủ gật rất dễ bị ngạt thở.

Chất liệu cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng và ảnh hưởng tới cảm giác của bé. Đai đi xe máy được làm bằng chất liệu đệm mút và vải mềm sẽ tạo được độ êm ái và ấm hơn nếu phải để bé di chuyển trên xe máy trong thời tiết lạnh.