Ngày 19/8 sau thời gian chống chịu với virus SARS CoV-2, bà Nguyễn Thị An ở quận 4 sốt cao, Sp02 dưới 90%, y tế địa phương chuyển bà đến bệnh viện dã chiến 16. "Lên đến đây tôi không còn biết gì nữa, tôi nghĩ mình không qua khỏi" - bà An nhớ lại.
Khi tỉnh lại, xung quanh bà là những nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ kín mít, các giường bệnh đều có người và máy móc la liệt. "Một cô nói với tôi bác yên tâm điều trị, ở đây Nhà nước lo cho hết" - hành trình 24 ngày giành giật sự sống bắt đầu với bà An như vậy.
Lúc nhập viện, con gái bỏ vào túi hành lý bà An 2 triệu đồng và dặn "Lúc thanh toán ra viện thì má gọi con đến đóng thêm nhé". Có lần nhìn thấy nhân viên y tế cần mẫn làm vệ sinh cá nhân cho chính mình và bệnh nhân khác, bà An xúc động lấy tiền mang theo gửi tặng nhưng ai cũng từ chối không nhận.
Ngày 12/9 trong buổi tiễn bệnh nhân xuất viện của Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU), Bệnh viện dã chiến 16, TP.HCM, bà An không kìm được xúc động. "Cảm ơn bác sĩ đã cứu sống tôi" - Bà nói trong tiếng khóc nghẹn. "Tôi đã được chăm sóc rất tốt, không phải đóng tiền lại còn được túi quà mang về".
Bác sĩ Diệp Hồng Kháng (Trưởng Khoa Hồi sức và điều trị bệnh nhân nặng, Trung tâm điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 175), cho biết một bệnh nhân nằm điều trị hồi sức vốn dĩ sẽ tốn kém vì các danh mục kỹ thuật đều cao giá, nhất là khi phải can thiệp ECMO (hệ thống oxy màng ngoài cơ thể). Ví dụ, để thiết lập ECMO phải đặt màng lọc. Tùy từng loại màng lọc sẽ có những mức giá khác nhau, dao động khoảng 80-150 triệu đồng. Màng lọc phải thay khi có hiện tượng tắc màng, thường một màng có tuổi thọ khoảng 15 ngày. Bên cạnh đó, bệnh nhân ECMO đòi hỏi đội ngũ nhân lực phục vụ lớn, phải có ba ê kíp theo dõi một ngày với gói theo dõi chăm sóc mỗi 8 giờ, mỗi gói khoảng 1,2 triệu đồng, bao gồm các khoản chi phí như bông băng, thuốc sát trùng, tiền công y bác sĩ... Ngoài ra, bệnh nhân phải dùng các chẩn đoán hình ảnh như X-quang, siêu âm và xét nghiệm thường xuyên để đánh giá tình trạng, có chỉ định điều trị phù hợp.
Đó là mức giá thống kê theo quy định, nhưng đối với bệnh nhân nặng, nguy kịch thì việc điều trị còn tốn kém hơn rất nhiều. Ông Trần Văn Phú ở quận 2, từng điều trị thành công ở Trung tâm hồi sức tích cực bệnh viện dã chiến 16 chia sẻ: "Biết ơn Nhà nước, ngành Y tế, nếu không được hỗ trợ thì chúng tôi bị gành nặng kinh tế rất lớn khi điều trị Covid-19".
Hiện nay, người mắc Covid-19 sẽ được khám và điều trị miễn phí. Trong thời gian cách ly y tế tập trung, nếu mắc các bệnh khác (không phải Covid-19) mà phải khám, điều trị thì việc trả chi phí khám, điều trị thực hiện theo Khoản 7 Điều 1 Nghị quyết 16/NQ-CP như sau: Người có thẻ BHYT được quỹ BHYT thanh toán phần chi phí được hưởng và mức hưởng BHYT như các trường hợp khám, chữa bệnh đúng tuyến. Đối với phần chi phí đồng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi hưởng BHYT (nếu có) thì người bị cách ly phải tự chi trả theo quy định của pháp luật về BHYT; Người không có thẻ BHYT tự chi trả toàn bộ chi phí khám, điều trị theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành.
Đó là lý do mà ai cũng cần đến tấm thẻ BHYT để giảm gánh nặng mỗi khi vào viện./.
Phóng sự: