Sáng nay, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn truyền thông liên thế hệ “Phụ nữ và Bình đẳng giới trong kỷ nguyên mới” nhằm hướng đến kỷ niệm 30 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 2025, 10 năm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững .
Diễn đàn truyền thông liên thế hệ “Phụ nữ và Bình đẳng giới trong kỷ nguyên mới” được tổ chức nhằm ghi nhận những đóng góp của phụ nữ Việt Nam với sự phát triển kinh tế, xã hội, khẳng định những thành tựu trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ Việt Nam. Đặc biệt, trong 30 năm qua, Việt Nam đã quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu của Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và đã có những kết quả tích cực, trong đó nổi bật là những nội dung “phụ nữ và đói nghèo”, “Phụ nữ và sức khỏe”, “Phụ nữ và kinh tế”, “Phụ nữ và môi trường”, “Trẻ em gái”. Những kết quả tích cực đó không chỉ góp phần cải thiện đời sống của phụ nữ mà còn tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi để phụ nữ phát triển toàn diện, thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ và mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển toàn diện và tiến bộ xã hội.
Bà Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN khẳng định bình đẳng giới ở Việt Nam đã có những bước tiến dài. Những nỗ lực đó đã giúp cho vai trò và địa vị của phụ nữ Việt Nam ngày càng được cải thiện, nâng cao.

"Hiện nay, tỷ lệ nữ đại biểu trong Quốc hội luôn cao ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (30,26%); Phụ nữ Việt Nam chiếm 46,8% lực lượng lao động cả nước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của lao động nữ là 62,4%; tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 28,2%; 14,4% lực lượng Việt Nam tham gia gìn giữ hoà bình, cao hơn mức trung bình của Liên hợp quốc là 10,2% và hiện nay cả nước đang triển khai mạnh mẽ phổ cập tri thức số, trong đó có cho phụ nữ và trẻ em gái" - Bà Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh
Có thể thấy, bình đẳng giới không phải là câu chuyện ngày một ngày hai, mà là hành trình dài cần được quan tâm và thúc đẩy. Tham gia diễn đàn, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam cho rằng, gốc rễ của bình đẳng giới cần được nuôi dưỡng từ chính tư duy trong mỗi gia đình: “Gia đình là tế bào xã hội và ta có thể thay đổi cách tiếp cận, thúc đẩy bình đẳng giới trong hơn 100 dòng họ Việt Nam. Nếu mỗi gia đình thay đổi tư duy thì người ta đến cơ quan hay nữ doanh nghiệp bất kỳ vị trí nào thì vấn đề bình đẳng giới sẽ tốt hơn”.

Ở Việt Nam, bình đẳng giới luôn được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những mục tiêu quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Những nỗ lực đó đã giúp cho vai trò và địa vị của phụ nữ Việt Nam ngày càng được cải thiện, nâng cao. Đặc biệt, phụ nữ ngày càng có nhiều cơ hội thể hiện được những đóng góp của mình trên tất cả các lĩnh vực. Tại buổi tọa đàm, Thiếu tá Lương Thị Trà Vinh – nữ sĩ quan thuộc Văn phòng Thường trực Bộ Công an về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã nhấn mạnh rằng: Nhờ có sự quan tâm và hỗ trợ này, đội ngũ nữ sĩ quan công tác tại các nhiệm vụ quốc tế luôn cảm thấy vững tâm. Chúng tôi luôn có một hậu phương vững chắc, khi chúng tôi đi làm việc bên ngoài luôn tự hào về điều đó. Hậu phương vững chắc, tiền tuyến nở hoa nên các tổ công tác đều rất thành công.
Tại diễn đàn, nhiều đề xuất, kiến nghị thiết thực, có giá trị đã được đưa ra để phát huy hơn nữa vai trò, tiềm năng, thế mạnh, tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên và xây dựng người phụ nữ Việt Nam trong kỷ nguyên mới.