Nhân dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân ta bày tỏ tình cảm, lòng thành kính tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn của Bác, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Dù Bác đã mãi đi xa, nhưng hình ảnh của Người vẫn sống mãi trong trái tim của hàng triệu người con đất Việt.

Năm nào cũng vậy, cứ đến kỷ niệm ngày sinh của Bác, trong lòng ông Trần Viết Hoàn, người cận vệ của Bác Hồ năm xưa, cũng là nguyên Giám đốc Khu di tích Phủ Chủ tịch lại chộn rộn, náo nức khó tả.

Sinh ra và lớn lên ở quê lúa Thái Bình, năm 1964, chàng trai Trần Viết Hoàn vui mừng khi trở thành học viên lớp Cảnh vệ C221. Sau khi tốt nghiệp ông được phân công về Đội 1, Cục Cảnh vệ, đơn vị chuyên bảo vệ nơi ở và nơi làm việc của Bác Hồ. Nhớ lại những năm tháng được sống gần Bác, được Bác che chở, giáo dục, với ông Hoàn, đây là niềm vinh hạnh lớn của bất cứ ai có may mắn được phục vụ Bác.

Khuôn mặt ông Hoàn rạng ngời niềm vui khi những hình ảnh về Bác hiện về như những thước phim quay chậm: “Người là lãnh đạo kiệt xuất, nhưng cuộc sống của người vô cùng giản dị, nhân ái. Người đã mang lại cho chúng ta tất cả độc lập, tự do, có cơm ăn áo mặc, được học hành, tiến bộ. Bởi vậy khi Bác còn sống, người Việt Nam chúng ta và cả trên thế giới đều mong ước được gặp Bác dù chỉ là trong chốc lát”.

Được trực tiếp canh gác bảo vệ Bác trong những ngày Bác ốm và cả sau ngày Bác đi xa, ông Hoàn là một trong số những chiến sĩ được ở lại để tiếp tục trông nom di sản của Người trong Khu di tích Hồ Chủ tịch.

Một lòng, một dạ đem hết sức mình giữ gìn nơi ở và làm việc của Người, cũng như chăm lo đào tạo cán bộ thành lập Bảo tàng Hồ Chí Minh, ông đã gắn bó gần nửa đời người với những kỷ vật của Bác. Lòng ông cũng vì thế mà trong sáng hơn trong sự nghiệp và dạy bảo con cháu sau này.

“Những lời dạy của Bác chính là vinh quang trong cuộc đời tôi. Tôi cùng các anh em cán bộ trong khu di tích luôn cần mẫn, chăm chỉ, gìn giữ từng trang tài liệu, cuốn sách, nơi Bác nghỉ, bác nằm, giữ từng con cá dưới ao, từng canh cây ngọn cỏ, viên sỏi trên đường Bác đi” – ông Hoàn tâm sự.

Ba lần may mắn được gặp Bác Hồ, bà Nguyễn Thị Sốc ở xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương nhớ như in và lưu giữ từng khoảnh khắc đáng quý ấy đến tận bây giờ. Vinh dự được cử đi dự Đại hội Đoàn toàn quốc, cô gái trẻ Nguyễn Văn Sốc năm ấy xúc động khi lần đầu tiên được gặp Bác.

Trong trí nhớ của bà Sốc, hình ảnh vị lãnh tụ hiện lên thật đẹp đẽ, khiêm nhường hết mực “Tôi dự Đại hội được nghe Bác nói nhiều, nhưng nhớ nhất câu Bác bảo các cô các chú làm tốt thì Hồ Chủ tịch muôn năm, muôn năm”.

Lần thứ 2 bà Sốc được gặp Bác là ở sân Hàng Đẫy, Hà Nội, bà kể “Tôi được ngồi ở khán đài A, rồi Bác đến, may mắn tôi được ngồi bên cạnh Bác, cứ ngồi nhìn Bác. Bác bảo sao cháu không xem cứ nhìn Bác, thế là bảo “Vâng” xong là cười”.

Lần thứ 3 bà Sốc được gặp bác là khi Người nói chuyện với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà tại sân Vọng Cung, thị xã Hải Dương vào sáng ngày 26/7/1962. Hơn 60 năm qua, bà Sốc không quên được khoảnh khắc cả biển người hân hoan hô vang “Bác Hồ muôn năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”.

Với ông Trần Văn Trọng ở Hà Đông, Hà Nội, dù được gặp Bác Hồ trong khoảnh khắc chớp nhoáng giữa chiến trường, nhưng trong ngày đặc biệt thế này, ký ức về Người lại ùa về, thiêng liêng và giản dị. Ông luôn khắc ghi và thực hành những lời dạy của Người trong quá trình làm việc và chiến đấu trong quân ngũ. Đã qua cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông Trọng vẫn vui sống với những ký ức đẹp đẽ được trải qua trong những ngày đất nước chìm trong khói lửa.

“Năm 1967, tôi được giao nhiệm vụ lái xe đưa Bác Hồ về nơi sơ tán an toàn. Tôi được đồng chí Cục trưởng Cục bảo vệ hẹn lúc 1h đêm. Sau khi được dẫn xe vào trong Phủ chủ tịch, đồng chí ra đón vào, rồi Bác bảo đồng chí mang ra 2 tút thuốc lá Thủ đô và mấy gói kẹo cho anh em. Khoảng 15 phút sau Bác Hồ ra chúng tôi làm nhiệm vụ lái xe”, ông Trọng kể.

Dù Bác đã đi xa, song tấm lòng, tình cảm và lời dặn dò tâm huyết của Bác đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn với ông Trọng và đồng đội. Những người chiến sĩ đã làm tròn trọng trách, nhiệm vụ được Bác giao, hết lòng phụng sự Tổ quốc và nhân dân.

Những kỷ niệm về Bác, dù là nhỏ nhất, chưa khi nào phai mờ trong tâm trí của ông Trọng. Khuôn mặt Bác hiện lên sáng đẹp, phúc hậu và nước da hồng hào, nụ cười hiền từ qua lời kể của ông Trọng “Bác rất ân cần, gần gũi. Bác bận như thế nhưng vẫn dành thời gian chăm lo cho đời sống bộ đội. Tôi nhớ một lần khi các chiến sĩ đang ăn cơm thì Bác đến hỏi “Các cháu ăn cơm à”, rồi bác bảo “Ăn thế này khó khăn quá. Rồi Bác bảo Ban liên lạc mang cho 3 hộp thịt nấu đến đèn khò. Tôi vô cùng xúc động và vinh dự khi được Bác tận tình quan tâm”.

Được nghe những câu chuyện kể về Bác trong những ngày tháng 5 này làm cho mỗi người chúng ta càng nhớ về Bác, vị lãnh tụ bình dị, thân thương của mỗi người dân Việt Nam. Những cuộc gặp gỡ, những lời dặn dò, dạy bảo của Bác sẽ đi theo suốt cuộc đời, nhắc nhở mỗi người phải sống sao cho xứng đáng với lòng tin yêu của Bác./.