Những ngày tháng 7 nắng như đổ lửa, kèm theo những cơn gió phơn Tây Nam làm bầu không khí thêm bỏng rát nhưng không ngăn nổi bước chân của dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc về Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, nơi trong chiến tranh được mệnh danh là “tọa độ chết”, nơi mà một mét vuông đất phải hứng chịu 3 quả bom cày xới, thấm đẫm máu xương của những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi. Cùng với Đài tưởng niệm Thanh niên xung phong là khu Tượng đài Tổ quốc ghi công Tiểu đội 10 nữ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, phía sau có mười ngôi mộ trắng nghi ngút khói nhang được bao bọc bởi rừng cây xanh mát.

Vượt gần 400 km từ Hà Nội, Đoàn Cựu học sinh Phổ thông trung học khóa 93-96 Hà Nội kính cẩn nghiêng mình với sự thành kính tri ân 10 nữ thanh niên xung phong và các anh hùng liệt sĩ.

“Qua hoạt động tri ân, chúng tôi muốn lan tỏa giá trị của làm nghĩa tình, thiết thực trong cuộc sống. Những người ở lại sẽ không bao giờ quên công lao, sự hy sinh của các anh, các chị”, anh Nguyễn Phan Giang, Trưởng Ban công tác xã hội Cựu học sinh PTTH Khóa 1993-1996 Hà Nội trải lòng. Và cũng trong hành trình tri ân ấy, các thành viên khoá 93 – 96 Hà Nội còn mang theo cả con cái của mình để các bạn nhỏ hiểu được ý nghĩa, sự hy sinh, mất mát của thế hệ đi trước để bảo vệ tổ quốc.

Sau lễ dâng hương, Đoàn Cựu học sinh PTTH Khóa 93-96 Hà Nội dành 20 suất quà trị giá 30 triệu đồng cho 20 gia đình chính sách, cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Chị Nguyễn Thu Thủy, thành viên Đoàn cựu học sinh PTTH niên khóa 1993-1996 cho biết, đây là hoạt động tri ân thường niên của Hội khóa. Chị Thuỷ chia sẻ, khi về với mảnh đất linh thiêng, anh kiệt Hà Tĩnh, mỗi thành viên đều cảm thấy vô cùng xúc động. “Giá trị của độc lập, tự do và cuộc sống như ngày hôm nay là bao nhiêu sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Trong thời chiến cũng như trong thời bình, những người lính cụ Hồ đã phải hy sinh thầm lặng để mang lại cuộc sống bình yên cho lớp lớp thế hệ về sau”. Với chị Thuỷ, đó cũng chính là động lực, là nguồn sức mạnh để chị răn mình luôn phải cố gắng, làm tốt nhất trong khả năng của mình cho sự phát triển của đất nước hôm nay.

Những ngày này, hầu hết các nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước đều diễn ra các hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì tổ quốc. Nơi cực Bắc tổ quốc, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang luôn rực sáng lung lung bởi hàng nghìn đóa hoa đăng. Hình ảnh đoàn người đi tới từng ngôi mộ, thắp nén tâm hương, châm lên ngọn nến cháy sáng khiến cho ai cũng cảm thấy ấm áp, thiêng liêng.

Trong không khí trang nghiêm, xúc động ấy, không ít giọt nước mắt đã rơi. Đó là những người thân khắc khoải nhớ về các anh, đó là những người đồng đội, cựu chiến binh đã từng chiến đấu trên chiến trường thắp lên những nén hương, tưởng niệm người thân và các đồng đội. Đó cũng là những người trẻ tuổi được hưởng độc lập, toàn vẹn lãnh thổ nhờ những hy sinh của các anh.

Ông Nguyễn Bá Tặng, Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh cho biết, những ngày này, lượng du khách hướng về địa chỉ đỏ, hướng về chiến trường xưa rất đông, gấp nhiều lần so với những ngày thường. Bằng tấm lòng của mình, các mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã đóng góp công sức, vật chất để tri ân các gia đình có công với cách mạng, mảnh đất chịu nhiều thiệt thòi trong chiến tranh, làm cho Đồng Lộc ngày càng thay da đổi thịt, cuộc sống của nhân dân trên địa bàn dần được nâng lên.

Là người trẻ, lại trong vai trò là những thủ lĩnh của đoàn thanh niên, anh Hoàng Công Thủy, Phó Bí thư huyện đoàn Vị Xuyên luôn mong muốn thông qua các hoạt động tri ân, mỗi bạn trẻ sẽ rèn luyện để có tư tưởng lập trường vững vàng, phấn đấu trong học tập, lao động, đóng góp sức trẻ, sự nhiệt huyết để xây dựng quê hương đất nước.

Tháng 7 lịch sử, dòng người viếng thăm các nghĩa trang liệt sĩ cứ thế nối dài bất tận. Về với các nghĩa trang liệt sĩ, trong lòng mỗi người trào dâng sự xúc động, nghẹn ngào. Đó không chỉ niềm thương tiếc, xót xa mà xen lẫn sự khâm phục, lòng biết ơn với niềm tin, các liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng, đã nằm xuống, nhưng các anh không bao giờ chết. Các anh luôn sống mãi trong lòng đất mẹ, trong lòng nhân dân. Cùng với sự chăm lo của Đảng và Nhà nước, hoạt động tri ân, thiện nguyện nhiều tổ chức, cá nhân sẽ tiếp tục với mong muốn góp phần nhỏ bé tri ân các anh hùng liệt sĩ, để thân nhân của họ được bù đắp phần nào những mất mát đang phải trải qua. Càng cho thấy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” tiếp tục phát huy, lan tỏa, là nét đẹp nhân văn sâu sắc của của người Việt Nam, bằng những việc làm thiết thực, có ý nghĩa đền đáp những người đã dành một phần thân thể, dành trọn cuộc đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Nghe nội dung bài viết tại đây:

(Nguồn: Cổng tin tức Đài Tiếng nói Việt Nam)