Bàn về tình hình kinh tế, xã hội năm 2023 và kế hoạch năm 2024, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV dành 1,5 ngày thảo luận tại nghị trường, bắt đầu từ chiều nay - 31/10. Đề cập nội dung này, nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng trước tình trạng thanh niên thất nghiệp diễn biến theo chiều hướng gia tăng. Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao.
Báo cáo nêu rõ tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) trong quý III/2023 là 7,86%; trong đó tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,35%; khu vực nông thôn là 6,60%. Báo cáo còn chỉ rõ, tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn là 13,5%, khu vực thành thị là 9,8%; nữ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo là 13,9%; nam là 10,4%.
Đề cập tình hình kinh tế, xã hội của đất nước những tháng đầu năm, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên- Huế) cho biết, đây là mối quan tâm hàng đầu của mình tại kỳ họp này của Quốc hội. “Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên thành thị cao hơn nông thôn. Độ chênh này rất đáng kể là điều tôi trăn trở".
Đánh giá sự phát triển của nền kinh tế và xã hội 9 tháng đầu năm, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) cũng nhắc đến số liệu thống kê về tỷ lệ thanh niên thất nghiệp với tâm trạng không vui. Ông cho rằng vấn đề này có mối liên hệ mật thiết với việc đảm bảo an ninh, trật tự và ổn định xã hội. “Con số khiến tôi lo lắng là tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên và thanh niên không có việc làm, bởi nó không bình thường so với số liệu trước đây. Tôi thấy nhiều đại biểu cũng trăn trở khi nhận thấy vấn đề thất nghiệp gia tăng cho dù khu vực thành thị hay nông thôn, là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội”, ông Tuấn chia sẻ.
Nhưng khi phân tích tình hình thế giới hiện tại, nhìn rộng hơn ra các nước và so sánh, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung lại có phần lạc quan. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng đây và vấn đề phải hết sức quan tâm bởi tỷ lệ thất nghiệp của VN cũng đã tăng lên 2 bậc trong “bảng xếp hạng”so với năm 2022. “Tỷ lệ thất nghiệp bình quân của chúng ta từ trước đến nay khu vực thành thị là dưới 4%, chung của cả nước khoảng 2,3%. Như vậy chúng ta thông thường thuộc tốp 10 các quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới. Năm 2021, Việt Nam đứng thứ 5, nhưng đến hết quý III/2023 lại đứng thứ 7. Song, chúng ta phải rất bình tĩnh về vấn đề này. Vì sao? Vì nếu bình quân tỷ lệ thất nghiệp thanh niên là 7,6%, tôi cho rằng hợp quy luật. Nhìn rộng ra chúng ta thấy ở Trung Quốc, vào thời điểm này, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là hơn 20%. Ở Hàn Quốc, tỷ lệ thất nghiệp bây giờ cũng rất cao” - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết.
Nhìn nhận tình trạng thất nghiêp ở thanh niên tăng cao, theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, nguyên nhân là từ sự suy yếu của nền kinh tế. Dễ nhận thấy nhất là số lượng doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2023. “Giải thể đến 135.000 doanh nghiệp trong khi đó số đăng ký mới và tái hoạt động là 165.000. Tôi cho rằng đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm gia tăng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp”, bà Sửu lý giải.
Báo cáo của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2024 đã đưa ra một số giải pháp cho vấn đề này. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, bà Sửu cho rằng: “Giải pháp nêu ra trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội vẫn chưa đặc biệt coi trọng, chưa thật hữu hiệu để làm giảm tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên. Bà mong muốn có giải pháp chuyên sâu hơn, thực sự hiệu quả cho việc hạn chế tỷ lệ thất nghiệp cũng như xử lý khó khăn của doanh nghiệp.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn cũng cho rằng “sức khỏe” của doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng quyết định tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên. Vì thế, theo ông, Quốc hội, Chính phủ cần có các chính sách tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp: “Tôi đề nghị, ngoài việc kéo dài Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành và cơ quan liên quan ban hành chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người sử dụng lao động bằng cách duy trì và tạo thêm việc làm mới nhằm giải quyết vấn đề giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị và nông thôn đang có chiều hướng gia tăng. Đây là mục tiêu quan trọng cần đạt được để ổn định an ninh trật tự, xã hội trước mắt và lâu dài”.